Nhìn lại kì họp thứ 3, QH khóa XIV:

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc "được mùa mất giá" với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Khánh Nguyễn - Thanh Huyền-Thứ ba, ngày 27/06/2017 18:17 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận được 7 chất vấn và tranh luận “hóc búa” về khủng hoảng thừa thịt lợn.

LTS: Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau kì họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kì họp. VTV News xin điểm lại một số vấn đề nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia hỏi và tranh luận trong các phiên chất vấn ngày 13-15/6.

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có 43 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận. Ngoài ra, 22 đại biểu đã đăng ký nhưng do quỹ thời gian hạn chế nên chưa được đặt câu hỏi, và đã gửi câu hỏi chất vấn để Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời bằng văn bản.

Trong số đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn cũng như giải pháp khắc phục, và kế hoạch để hạn chế tình trạng trên do lo ngại sau hành tím, dưa hấu, thịt lợn có thể sẽ là cây cao su, cây ăn trái như cam, quýt, bưởi… cũng như lo ngại về điệp khúc "Được mùa mất giá, được giá khan hiếm hàng hóa".

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) - Hà Tĩnh chất vấn: "Theo quy hoạch tại Quyết định số 124 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32,2 triệu con và đến năm 2020 là 34,4 triệu con, nhưng theo số liệu thống kê hàng năm, tức là 01/10 thì năm 2015 tổng đàn lợn mới đạt được 27,75 triệu con, tháng 10/2016 tổng đàn lợn mới đạt 29,075 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con lợn và giá thì giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ về vấn đề này".

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) - Hà Tĩnh

Cũng lo ngại về vấn đề dư thừa thịt lợn và yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp căn cơ, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan - Bắc Ninh đặt câu hỏi: "Trước tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi đặc biệt khó khăn do cung vượt cầu, lượng thịt dư thừa quá lớn dẫn đến giá thịt lợn lao dốc không phanh. Đến thời điểm này ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vây xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết hiệu quả vấn đề này như thế nào?".

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan - Bắc Ninh

Trà lời đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng như các đại biểu khác vừa chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nếu rõ 2 nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng thừa thịt lợn: "Nguyên nhân thứ nhất là về sức sản xuất. Sức sản xuất của chúng ta trong những năm vừa qua tăng trưởng quá nhanh, trong hơn 10 năm qua, riêng thịt lợn nói chung đã tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn. Sữa tăng 15 lần, từ 511 nghìn tấn cho hơn 10 năm, đến bây giờ chúng ta đã tăng lên 800 nghìn tấn. Cá nuôi, không kể cá khai thác, tăng từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn. Cùng với đó là 10 tỷ quả trứng. 

Như vậy, nguyên nhân thứ nhất là khối lượng khổng lồ trong một thời gian ngắn, riêng về con lợn thì tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn. Cách đây 10 năm, Việt Nam thấp nhất trong ASEAN thì sau 10 năm riêng về ngành cá đã lên 23 triệu tấn. Lợn nái cách đây 10 năm hơn 2 triệu con, bây giờ lên 4,2 triệu con. Chúng ta có một bước cải tiến về quy mô nông hộ vốn cách đây 10 năm là 7 triệu hộ đến bây giờ co lại rất gọn rồi vẫn còn tới 3 triệu hộ. Cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, 3 năm gần đây không có dịch bệnh làm cho sức tăng trưởng của thực phẩm Việt Nam tăng quá nhu cầu trong tại một thời điểm.

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Riêng về con lợn có một đặc thù nữa, bên cạnh sự tăng bột phát như thế thì rổ thực phẩm Việt Nam đã thay đổi cơ cấu. Trước kia, trong bữa cỗ, bữa cơm 70-75% là thịt lợn thì bây giờ nhiều sản phẩm để nhân dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò làm cho dư thừa tạm thời và mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều.

Tuy nhiên, tổ chức ngành hàng của chúng ta chưa tốt, Trong 3 khâu: khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu mở cửa thị trường, tổ chức thị trường, chúng ta mới làm được khâu đầu còn 2 khâu sau chúng ta rất yếu, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Từ tình hình đó dẫn đến hệ lụy tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng của khủng hoảng thừa khi mà biên giới chúng ta không bán hàng được nữa quay trở lại vào mùa nóng, sức tiêu thụ của thịt lợn giảm đi, nhu cầu thực phẩm khác thay thế dẫn đến tình trạng đó".

Ngoài ra, lo ngại sẽ còn xuất hiện những cuộc khủng hoảng thừa khác về cây cao su, cây ăn trái trong tương lai, đại biểu Trần Dương Tuấn – Bến Tre tiếp tục chất vấn: "Trong tầm nhìn của Bộ trưởng thì dự báo trong thời gian tới, từ kỳ họp này cho tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào khoảng cuối năm 2018, trong lĩnh vực của đồng chí làm tư lệnh có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giải cứu như đã từng làm đối với các sản phẩm nông nghiệp như hành tím, dưa hấu, thịt lợn như vừa rồi hay không. Nếu có thì tên gọi của mặt hàng nông sản đó là gì để người dân biết mà chuẩn bị và đâu là giải pháp căn cơ nhất để không tái diễn các trường hợp tương tự như vậy".

Cùng với đó, do chưa thấy thuyết phục với câu giải thích và trả lời đại biểu Sơn về các căn cứ để lập quy hoạch phát triển đàn lợn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Bình Dương tranh luận: "Xuyên suốt các câu trả lời liên quan đến việc quy hoạch giải cứu đàn lợn, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước ở đây. Chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát, tôi nghĩ cách trả lời thế này chưa thấy được vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Còn câu chuyện giải cứu gì nữa không? Ví dụ như cao su hiện nay đang cần giải cứu, cây ăn trái, cam, quýt, bưởi tôi nghĩ sắp phải giải cứu, bởi vì người dân vẫn tiếp tục phát triển mở rộng thị trường. Nơi tôi ứng cử đầu tư rất nhiều vào cây này, tháo cây cao su để trồng cam, bưởi, quýt. Bộ trưởng có thống nhất với ý kiến của tôi không?".

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Bình Dương

Cũng sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Mai Sỹ Diến - Thanh Hóa đưa ra ý kiến: "Trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, tôi có một tiếp cận riêng. Việc phát triển mạnh chăn nuôi lợn trong giai đoạn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phải chuyển chuồng nuôi từ khu dân cư ra khu cách ly theo quy hoạch để đảm bảo tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn mới theo quy định. Nông dân phải dồn đổ ruộng đất của gia đình mình về khu quy hoạch trang trại và thực hiện chuyển nhượng đất đai và có diện tích xây dựng chuồng trại, mang tài sản gia đình để vay vốn ngân hàng cộng số vốn ít ỏi tích lũy bao năm để xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn hơn xen kẽ trong khu dân cư. Điều này cùng việc gia tăng đầu tư chăn nuôi của các khu trang trại các doanh nghiệp, nếu quan sát thì các cấp chính quyền, các ngành hoàn toàn phát hiện việc gia tăng quy mô chăn nuôi một cách bất thường và phải có sự chỉ đạo cảnh báo chủ động tìm đầu ra trước khi xảy ra cơn dư trấn trong ngành chăn nuôi lợn xảy ra như thông tin truyền thông đưa tin vừa qua, nhưng nông dân chưa nhận được sự chỉ đạo, cảnh báo của cá cấp, các ngành, trong đó có ngành nông nghiệp".

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) - Hà Tĩnh tiếp tục giơ bảng tranh luận: "Dù rất chia sẻ với Bộ trưởng nhưng tôi thấy giải pháp không đồng bộ, còn lúng túng, không chỉ có Bộ NN&PTNT, lúc này thị trường như vậy, giá cả thịt lợn hơi 50 nhưng bán 80, nhưng thịt lợn bán 20 thị trường vẫn bán 80. Vai trò của Bộ Công Thương ở đây như thế nào, trong đó Bộ Nông nghiệp là bộ chủ quản sự phối hợp với Bộ Công thương để có giải pháp như thế nào?".

Về ý kiến tranh luận của đại biểu Sơn và đại biểu Diến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ đồng tình và cho hay: "Một mặt các đại biểu chia sẻ, nhưng một mặt các đại biểu nêu rõ trách nhiệm của Bộ không chỉ đối với sản phẩm thịt lợn nay mai mà các sản phẩm khác cũng có sự rà soát lại từ quy hoạch, chiến lược phát triển gắn với thị trường rõ hơn. Sự phối hợp giữa Bộ với các cơ quan của Trung ương phối hợp với địa phương, phối hợp các thành phần kinh tế, phối hợp với hệ thống cơ sở để chúng ta làm cái này tốt hơn, phục vụ cho phát triển hàng hóa từng bước bền vững".

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận

Vấn đề khủng hoảng thừa thịt lợn vẫn tiếp tục nóng khi đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận chất vấn thêm sau hàng loạt câu hỏi trước đó: "Tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời nhưng chưa rõ. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - đoàn Bình Dương, đó là cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở đây. Bộ trưởng có nói năng lực sản xuất còn lớn nhưng trong khi đó dân ta còn nhiều lựa chọn về thực phẩm khác mà không dùng đến thịt lợn. Tôi xin nói với Bộ trưởng, ví dụ ở New Zealand số lượng cừu, bò gấp mấy lần dân số thì người ta sản xuất, tiêu thụ đi đâu. Thị trường trong nước còn rất tiềm tàng nhưng giá cả thì bán quá cao, do qua quá nhiều khâu trung gian, nên tiêu thụ rất chậm".

Làm rõ một lần nữa về vấn đề này, vị Tư lệnh ngành phân tích: "Tại sao nói đàn lợn nái phải giảm quy mô, công suất. Đúng là có những nước trên thế giới chỉ làm một loại. Ngược lại, về con lợn tiềm năng phát triển thì còn nhưng phải tính câu chuyện thị trường. Sức tiêu thụ của Việt Nam như vậy là rất thừa, còn nói về câu chuyện quốc tế thì tính đến các điều kiện, kể cả mở thị trường, năng lực làm đủ như anh Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công Thương - PV) nói đủ trình độ để xuất được thì chỗ này phải tính cụ thể".

Đại biểu tranh luận về khủng hoảng thịt lợn và điệp khúc được mùa mất giá với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Ảnh 6.

"Theo tiêu chuẩn châu Âu, một cân thịt lợn phải từ quy trình nuôi khép kín, từ giống đến chăn nuôi. Câu chuyện đó không thể làm trong 1, 2 năm được, nên đặt ra một lộ trình trước mắt phải giảm, tăng chất lượng đàn, giải cơ cấu đàn. Một mặt, Bộ vẫn phải tích cực, ví dụ như phối hợp với Bộ Công Thương làm tốt thủ tục để chuẩn bị những tháng tới lô hàng đầu tiên xuất thực phẩm thịt gà sang Nhật. Tháng sau, chúng tôi sẽ tiến hành một hội nghị bàn về xuất khẩu thịt lợn, nhưng tiên lượng trước là việc này không thể nhanh được. Chúng ta sẽ phải lựa chọn những đối tượng khác nên mong đại biểu rất thông cảm", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết lại.


Xem lại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Xem lại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải khủng hoảng thừa thịt lợn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải khủng hoảng thừa thịt lợn Cử tri đánh giá về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Cử tri đánh giá về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước