Các sử gia và chính khách nước ngoài luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự trong thế kỷ 20 khi Đại tướng cùng với những người lính của mình giành chiến thắng từ con số không. Thế nhưng chất nhân văn thấm đẫm trong con người anh Văn đã đưa ông thành một tượng đài trong lòng dân, vị tướng của hòa bình.
Có rất nhiều danh xưng dành cho Đại tướng nhưng ông tự nhận mình là Đại tướng của hòa bình khi trả lời báo chí nước ngoài để nêu rõ mục tiêu của dân tộc Việt Nam khi thực hiện chiến tranh để bảo vệ những giá trị thiêng liêng của mình là độc lập, tự do cho dân tộc.
‘ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp hình cùng Đội dân quân xung kích Thái Bình khi hòa bình lập lại.
Ông Lê Trọng Nghĩa, một cán bộ cấp dưới gắn bó với Đại tướng hơn 20 năm đã sát cánh cùng Đại tướng trong suốt chiến dịch Điện Biên cho tới trước chiến dịch Mậu Thân, nhưng vì một lý do bất khả kháng ông Nghĩa đã phải chia tay người chỉ huy của mình. Chia sẻ về câu chuyện còn ít người biết, từng xảy ra trong Cách mạng tháng Tám khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện cho Việt Minh đã chủ động hòa hoãn với Nhật. Hành động này, vì thế đã góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám mà gần như không đổ máu.
Ông Nghĩa dẫn chứng câu chuyện này để làm sáng tỏ thêm nhận định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình. “Sau ngày 23, thấy được tình hình, nhất là thấy được bài học của Hà Nội cho nên ông Giáp quyết định ngừng đánh Thái Nguyên bắt tay với Nhật, tiếp xúc giao dịch với Nhật. Ông ấy đại diện cho tư tưởng lúc cần đánh thì rất quyết liệt, nhưng vì giải quyết thắng lợi bằng cách hòa bình thì sẵn sàng không đánh, bắt tay hòa hảo với đối thủ”, ông Lê Trọng Nghĩa nói.
36 năm nắm quyền lực cao nhất trong lực lượng vũ trang, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong nhiều trận đánh mang tính chất quyết định lịch sử. Ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa ông trở thành huyền thoại của thế kỷ 20 - một kiến trúc sư quân sự của chiến tranh nhân dân. Và sau chiến thắng này, cục diện chính trị thế giới đã thay đổi bởi chiến thắng Điện Biên Phủ đã thổi bùng mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa.
PGS.TS Vũ Quang Hiển, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Điều đặc biệt, tác động của Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới mà trước hết là đối với châu Phi. Khi đó người ta nhìn về Việt Nam, nhìn về Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp như là tấm gương sáng cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng ở châu Phi, đặc biệt ngay lúc bấy giờ là cuộc kháng chiến của nhân dân Algeria”.
‘ Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bắt tay Tướng Giáp trong cuộc gặp mặt năm 1995 ở Hà Nội. Ảnh: AFP
Trong di tích điện Kính Thiên, Thành cổ Hà Nội có căn phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được bảo tồn gần như nguyên trạng. Căn phòng đã cùng ông đi qua 12 ngày đêm căng thẳng khi Hà Nội bị B52 oanh tạc. Và những ngày cuối tháng 4/1975, trên tấm bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tên màu đỏ càng sát về hướng Sài Gòn, cũng là những ngày ông trực chiến ở đây không về nhà, dù trên cùng một con phố.
Bức ảnh chụp khi ông nhận tin chiến thắng ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt hai miền. Chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chính thức được xác lập sau hơn 100 năm bị nước ngoài chiếm đóng và chia cắt. Và cũng tại căn phòng này hôm ấy đã chứng kiến nước mắt ông dâng trào khi chỉ còn lại một mình, cùng với ý nghĩ “Giá như còn Bác”.
‘ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các cựu chiến binh. Ảnh tư liệu
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu chia sẻ: “Chỉ trong 10 chữ thôi có thể khái quát cuộc đời, công lao của đồng chí: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm” - có nghĩa là sự nghiệp bảo vệ đất nước, chiến công của Đại tướng lừng lẫy khắp cả trong nước và ngoài nước thì sẽ truyền mãi trong lịch sử và cả thế giới mãi mãi sau này, nhưng tấm lòng của Đại tướng, vấn đề văn hóa của Đại tướng và đạo đức của Đại tướng mới quan trọng”.
Năm 2004, trong một buổi gặp mặt các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi có người nói về những cống hiến của mình, ông nhận mình chỉ là một giọt nước trong biển cả là nhân dân. Tại đây ông nhắc nhở các cựu chiến binh hãy nhớ tới hai chữ Quyết đánh và Quyết thắng nghèo nàn lạc hậu. Thông điệp này tiếp tục được chuyển đi trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng của ông với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam.
‘ 18h09 ngày 4/10/2013, một trái tim lớn đã ngừng đập. Một nhân cách lớn đã ra đi để trở về với tổ tiên, về với người thầy vĩ đại mà ông đã tiễn đưa 44 năm về trước.
Một hiện tượng xã hội có sức lan tỏa lớn trong suốt tuần qua khi hàng triệu người dân lặng lẽ, kiên nhẫn xếp hàng trong trật tự chờ đến lượt mình để tiễn biệt một huyền thoại. Dòng người càng ngày càng đông hơn để nghiêng mình trước sự ra đi của một con người. Ngay tối hôm qua (10/10), cánh cổng nhà ông đã không thể khép lại như kế hoạch ban đầu sau gần 1 tuần mở cửa đón khách. Nhưng người thân trong gia đình Đại tướng vẫn chăm chút từng bông hoa gửi gắm trong đó là tấm lòng của người dân hướng về vị tướng của mình…