Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ cử Đoàn công tác làm việc với Ủy ban Quốc gia APEC, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; đảm bảo Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, ngày 1/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị, do tính chất của 2 đợt áp thấp nhiệt đới đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 01/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Palawan, Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là Cấp 3.
Ngoài ra, vào hồi 13h ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới gần bờ ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Ven biển Nam Bộ cần đề phòng nước dâng do áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh từ 0,3-0,4m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 102,5-108,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là Cấp 3.
Hướng đi của hai áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, đêm nay (1/11) ở ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ hôm nay (1/11) đến hết ngày 2/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tính đến 6h ngày 1/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó hoạt động ở khu vực từ 50-100 N và 1050 -1100 E là 1.485 tàu/10.890 lao động. Các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có lệnh cấm biển từ ngày 31/10.
Các phương tiện đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang chủ động di chuyển phòng tránh.
Theo Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, khu vực Nam Trung bộ có tổng số 501 hồ, trong đó có 132 hồ chứa lớn, 369 hồ chứa nhỏ. Hầu hết các hồ đạt 60-85% dung tích thiết kế, mực nước còn thấp dưới mức nước dâng bình thường. Có 73 hồ có cửa van, trong đó hồ Sông Quao xả 10 m3/s; có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như Quảng Ngãi, Bình Định; các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận)...
Khu vực Đông Nam bộ có 113 hồ trong đó có 28 hồ chứa lớn, 85 hồ chứa nhỏ, hầu hết các hồ đạt 70-85% dung tích thiết kế và có mực nước còn thấp dưới mực nước dâng bình thường; có 2 hồ chứa đang vận hành xả lũ là hồ Dầu Tiếng xả 150 m3/s, Sông Ray xả 15m3/s; có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).
Theo yêu cầu của các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Trung Sơn (Thanh Hóa) xả 740 m3/s, Hố Hô (Hà Tĩnh) xả 6 m3/s, A Vương (Quảng Nam) xả 297,5 m3/s.
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT lưu ý: Cần thực hiện nghiêm Công điện số 83 và 84/CĐ-TW ngày 31/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.
Cùng với đó, kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng. Các địa phương triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm "4 tại chỗ".
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão; phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!