Để phục vụ cho việc xây dựng dự án bệnh viện Đa Khoa của tỉnh Yên Bái, hàng chục hộ dân đã chuyển đến một nơi ở mới. Tuy nhiên, khu dân cư mới này lại được nằm ngay tại chân một quả đồi. Điều đáng lo ngại là quả đồi này hiện nay đang xuất hiện chằng chịt các vết nứt và có thể bị sập xuống bất cứ lúc nào.
Được biết, trước đây khi tiến hành việc tái định cư cho các hộ dân ở đây, chủ đầu tư cũng có hứa rằng quả đồi sẽ được san lấp. Tuy nhiên, đến giờ đã là 4 năm, quả đồi vẫn nằm đó và ám ảnh người dân trong từng giấc ngủ.
“Nếu trời không mưa, người dân chúng tôi sẽ được ngủ. Còn nếu trời mưa chúng tôi phải ngồi ngoài cửa để canh xem nếu quả đồi có hiện tượng bị sập để chạy cho kịp. Mùa mưa nào chúng tôi cũng rất khổ, nhất là về tháng 6 và tháng 7”, bà Phùng Thị Nhờ bức xúc.
Nói về tình hình trên, chủ đầu tư dự án Sở Xây dựng Yên Bái khẳng định, họ biết cuộc sống của người dân đang gặp nguy hiểm và cũng thấu hiểu bức xúc của người dân, nhưng hiện nay tỉnh chưa có chủ trương giải quyết.
Câu chuyện tái định cư của tỉnh Yên Bái mới đây cũng đã được đưa ra như một ví dụ điển hình tại các Hội thảo góp ý cho Dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, những bất cập trong quá trình thu hồi đất và tái định cư xuất phát từ vị thế hoàn toàn không bình đẳng giữa bên thu hồi đất và bên bị thu hồi.
Việc người dân phải chấp nhận tái định cư ở một nơi không có điều kiện đầy đủ, được nhiều địa phương lập luận là một sự hi sinh cần thiết cho lợi ích của xã hội hay cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách lập luận này là không công bằng và thậm chí là ngụy biện.
Quay trở lại với câu chuyện tái định cư tại tỉnh Yên Bái, tại một khu tái định cư khác có tên là Đầm Giặc, hơn 2 năm sau khi người dân về đây định cư, hầu hết các cơ sở hạ tầng tối thiểu vẫn chưa hoàn thiện. Hơn 2 năm qua, trong số 40 hộ dân được bố trí khu Đầm Giặc tái định cư thì mới chỉ có 1 hộ dám tới để xây dựng nhà.
Những gì đang xảy ra ở các khu tái định cư ở Yên Bái hoàn toàn không giống các kế hoạch hay các bản vẽ mà người dân đã được xem vài năm trước khi mà họ bị thuyết phục bàn giao đất. Và bây giờ dù chật vật, hàng ngày nhiều người dân vẫn đang cố sống trong những hiểm họa của tình trạng sạt lở, thiếu đất sản xuất và ô nhiễm môi trường.
Mời quí vị theo dõi VIDEO phóng sự tại đây