Tai nạn giao thông thảm khốc mới xảy ra ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã và đang tạo nên những cuộc kiểm tra sát sao về việc dạy và học bằng lái xe container, quản lý tài xế và chủ xe. Tuy nhiên, liệu những cuộc thanh, kiểm tra này sẽ kéo dài được bao lâu và hiệu quả của nó đến đâu khi còn nhiều vấn đề gốc rễ hơn vẫn chưa được nhìn thấy.
Hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức, nhiều người vẫn không thể nguôi sự đau xót đối với những nạn nhân xấu số. Họ cho rằng thảm cảnh này có lẽ đã không xảy ra nếu ngay tại đây dự án xây dựng vòng xoay được thực hiện; dự án này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2000 khi mở đường dân sinh giao cắt với Quốc lộ 1.
Theo quy định, với đường quốc lộ có giao cắt với đường dân sinh, một nút giao khác mức bắt buộc phải được lập ra, nghĩa là ở đây phải có một cầu vượt hoặc một hầm chui. Tuy nhiên, quy định vẫn là quy định khi hầu như đường dân sinh giao cắt với quốc lộ vẫn được đặt đèn tín hiệu giao thông. Trong nhiều năm qua, Sở GTVT tỉnh Long An đã kiến nghị Bộ GTVT nhất thiết phải xây cầu vượt qua những điểm giao cắt với Quốc lộ 1, qua đó mới có thể ngăn chặn được hiểm họa, nhưng đến nay đề xuất này vẫn chưa thực hiện được.
Còn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đang từng ngày rình rập ở Quốc lộ 1. Theo ngành Giao thông tỉnh Long An, nếu tai nạn xe container xảy ra ở ngã tư Long Kim (huyện Bến Lức, cách ngã tư Bình Nhựt khoảng 20km), con số thương vong sẽ còn cao hơn nhiều bởi dân cư đông đúc, có trường học, nhiều khu công nghiệp tập trung số lượng lớn công nhân ra vào. Câu hỏi được đặt ra là khi nào những nguy cơ này mới được xóa sổ, quy chuẩn nào để quy định đảm bảo một đường dân sinh giao cắt với đường quốc lộ được tuân thủ?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!