Đất nông nghiệp tại Đông Anh, Hà Nội được cấp phép khai thác cát: Nguồn gốc đất vẫn chưa rõ ràng

Tuyết Mai (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 09/01/2019 11:30 GMT+7

VTV.vn - Đại diện UBND Xã Đại Mạch cho biết quỹ đất do xã quản lý nên người dân không được đền bù nhưng người dân khẳng định khu đất được giao ổn định lâu dài cho các xã viên.

Hoa màu bị hủy hoại, đất phù sa để nuôi cây trồng bị khai thác mất. Đến khi đi khiếu nại, người dân mới biết đất của họ đã bị giao cho một công ty khai thác cát. Đây là câu chuyện của hàng trăm xã viên tại thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Điều đáng nói là người dân chưa hề được thông báo gì về việc bàn giao đất này cũng như họp bàn phương án đền bù.

Trả lời về nguồn gốc đất 6,2 ha đất bãi Sông Hồng được Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cấp phép và cho Công ty Minh Đạt thuê để khai thác mỏ cát, người dân nhận là đất canh tác của mình, đại diện UBND Xã Đại Mạch cho biết, đây là quỹ đất do xã quản lý, vì thế, người dân không được đền bù.

Dân không được đền bù nên trong phương án phê duyệt của huyện Đông Anh, chủ mỏ sẽ phải chi trả trên 10 tỷ đồng đền bù hỗ trợ tiền đất cho UBND xã Đại Mạch. Nhưng cuối cùng, xã này cũng không nhận được số tiền này.

Cả dân và chính quyền đều không được đền bù hỗ trợ. Người được hưởng lợi là DN khai thác mỏ, chỉ việc múc cát đem bán. Trong khi đó, các hộ dân liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng rằng họ có đủ bằng chứng để chứng minh khu đất nằm trong dự án mỏ cát đã từng được giao ổn định lâu dài cho các xã viên và không có chuyện đất được chia đi chia lại nhiều lần không ổn định như báo cáo của UNBD xã Đại Mạch.

Sự việc này cũng đã được trưởng thôn Mạch Lũng, người tổ chức chia đất cho các hộ dân cách đây 20 năm xác nhận.

Gần 200 hộ dân tại dự án mỏ cát cho biết họ rất cần sự vào cuộc của huyện Đông Anh để làm rõ nguồn gốc đất và có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân.

Trong lúc chờ đợi, lẽ ra Công ty Minh Đạt phải nộp 15 triệu đồng cho 1 năm thuê 6,2 ha đất mỏ cát nhưng không hiểu sao Chi cục Thuế Đông Anh đã tự giảm cho DN gần 200 triệu đồng với lý do không tính tiền thuê những tháng mùa mưa doanh nghiệp không được khai thác. Với cách tính này, giá thuê 1 năm chỉ còn trên 3.000 đồng/m2 trong khi mặt bằng giá thuê đất nông nghiệp trên địa bàn để trồng trọt vẫn giữ được đất canh tác là 2.000 đồng/m2/năm.

Như vậy điều bất thường là giá cho doanh nghiệp thuê đất để múc tài nguyên đem bán lại chỉ nhỉnh hơn giá cho thuê đất nông nghiệp để trồng trọt có 1.000 đồng/m2/năm trong khi ai cũng hiểu cho doanh nghiệp thuê đất để khai thác như thế sẽ làm mất đi đất canh tác. Vẫn biết là ngoài tiền thuê đất, doanh nghiệp còn phải nộp thêm các khoản thuế khác nhưng vấn đề là cơ quan quản lý có giám sát được hoạt động khai thác của doanh nghiệp để chống thất thu hay không?

Hiện tượng mua sổ đỏ để hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở Hiện tượng mua sổ đỏ để hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở Ngang nhiên “xẻ thịt” đất nông nghiệp phân lô bán nền trái phép Ngang nhiên “xẻ thịt” đất nông nghiệp phân lô bán nền trái phép Nhập nhằng trong san ủi đất nông nghiệp tại Lâm Đồng Nhập nhằng trong san ủi đất nông nghiệp tại Lâm Đồng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước