Dấu ấn Võ Văn Kiệt trên vùng đất chín rồng

Ngọc Quân-Thứ sáu, ngày 23/11/2012 08:28 GMT+7

Đồng chí Võ Văn Kiệt nghe ý kiến của cán bộ và người dân miền Tây. Ảnh tư liệu

Có thể nói, vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới năm 2012 mà Việt Nam đạt được mang đậm dấu ấn từ những quyết định táo bạo của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mấy chục năm về trước.  

Những năm đầu sau giải phóng, hàng trăm ngàn ha đất hoang hóa ở Đồng Tháp Mười nhưng lúa rất khó sinh trưởng vì đất nhiễm phèn nặng. Thời điểm đó, có nhiều nghiên cứu về vùng đất này và các chuyên gia từ Hà Lan, Liên Xô từng khẳng định, không thể trồng được lúa ở vùng Đồng Tháp Mười. Có lẽ những vùng đất hoang bạt ngàn cùng sự nghèo khó sẽ mãi đeo đẳng nhân dân ba tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang nếu như không có các đề án lớn của Trung ương mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng.

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhớ lại: “Đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có đến làm việc với Đồng Tháp và cũng thống nhất là Đồng Tháp Mười cần có chiến lược để khai phá. Từ đó, đầu những năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt lập ra 2 đề án nghiên cứu về đất và kế hoạch khai phá Đồng Tháp Mười”.

Kế hoạch đã xác định phải đào nhiều tuyến kênh thủy lợi xuyên qua vùng đất này để tháo chua, rửa phèn. Hàng triệu ngày công đã được huy động, hàng triệu mét khối đất đào đắp, Đồng Tháp Mười như đại công trường trong suốt hơn 10 năm sau đó. Và cũng phải qua hàng chục mùa mưa nắng, hơn nửa triệu ha đất phèn nơi đây mới thực sự chuyển mình.

Từ hiệu quả của vùng Đồng Tháp Mười, Chính phủ đã nghiên cứu, áp dụng vào vùng Tứ giác Long Xuyên, thuộc địa bàn An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây khởi động từ năm 1997 với hai mục tiêu chính: Chia sẻ áp lực lũ cho vùng ĐBSCL và dẫn nước phù sa ngọt cải tạo vùng rốn phèn Tứ giác Long Xuyên.

Với kinh nghiệm thực tế và sự nhạy bén, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã quyết định cho đào ngay kênh T5, công trình chính của hệ thống, mà không phải qua thủ tục trình duyệt dự án như thường lệ. Con kênh dài hơn 36km nối từ kênh Vĩnh Tế thẳng ra biển Tây, rộng từ 30-36m đã được thi công với tốc độ kỷ lục chỉ trong vòng 4 tháng.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nói: “Cho tới bây giờ, ít có công trình nào làm một cách quyết liệt, khẩn trương và kết thúc sớm như kênh T5 mà xuất phát từ thái độ quyết tâm của “anh Sáu”.

Từ 1 vụ lúa kém hiệu quả chỉ 2 tấn/ha, cả hai vùng của Đồng Tháp Mười hiện đã sản xuất được 2-3 vụ ăn chắc, năng suất tăng gần 3 lần. Với gần 1 triệu ha đất trồng lúa, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã trở thành nơi sản xuất lượng thực trọng điểm, cung cấp một nửa sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL, đóng vai trò quyết định đối với vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới của nước ta. Hàng triệu nông hộ cũng đã có cuộc sống ấm no trên chính vùng trũng phèn ngày trước.

Phải mất hơn 10 năm để các công trình thủy lợi rửa phèn phát huy tác dụng và cũng ngần ấy năm để chứng minh tính đúng đắn của một quyết sách lớn về nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng, Chính quyền tỉnh An Giang đã quyết định đổi tên kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt. Một công viên nhỏ mang tên ông cũng được xây dựng tại vùng khởi nguồn hệ thống thoát lũ ra biển Tây, nơi chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ trên vùng đất chín rồng.

Ngày 23/11/2012 là kỷ niệm 90 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều quyết định quan trọng, góp phần mang lại những chuyển biến lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Một trong số đó là quyết định khai phá vùng Đồng Tháp Mười.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước