Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 24/04/2020 21:28 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ dành khoản đầu tư lớn cho các xã và thôn bản có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng.

Sáng 24/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để cho ý kiến vào Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trước khi báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội phê duyệt.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng để thực hiện các mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 - 2030, đã được Quốc hội thông qua cuối năm ngoái. Trong đó, tích hợp 118 chính sách đầu tư và phát triển hiện hành cho khu vực này.

Theo báo cáo đề xuất, dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ dành khoản đầu tư lớn cho các xã và thôn bản có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác, thông qua việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trên 3% và phấn đấu trong một thập niên sẽ nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng lên 2 lần so với hiện nay. Trước mắt, 5 năm tới, Nhà nước hỗ trợ đồng bào chưa có đất ở, đất sản xuất và nhà ở, cùng với hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết, khởi nghiệp có hiệu quả để tiến tới 90% hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống bằng nghề, nông, lâm ngư nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình này cũng bao gồm các dự án phát triển giáo dục, đào tạo nghề, để phấn đấu 50% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề và và 90% được sự dụng nước sạch.

Đánh giá cao Ủy ban Dân tộc nỗ lực xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số công phu và bao quát, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, chương trình này không chỉ là để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước thông qua một chính sách phát triển đặc thù để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí với đề xuất thực hiện chương trình này theo hai giai đoạn, nhưng phải bảo đảm bám sát các mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội, không trùng lặp với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, cũng như phù hợp với đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác nhau và bảo đảm đoàn kết giữa các dân tộc.

Do đó, chương trình này phải tập trung hỗ trợ sinh kế và cải thiện đời sống của của đồng bào các dân tộc thiểu số, nên chỉ đầu tư các công trình hạ tầng thực sự cần thiết, thiết thực mà chưa được đầu tư, nhất là cung cấp điện, nước sạch, dịch vụ y tế, viễn thông và thông tin, cũng như tăng cường hỗ trợ về vốn cho sản xuất và khởi nghiệp. Đồng thời ngăn chặn được tình trạng chuyển nhượng đất và di cư sau khi đồng bào được cấp đất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước để hoàn thiện báo cáo gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới.

Cũng trong sáng nay, Thường trực Chính phủ đã thảo luận và nhất trí với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục 140 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sau khi Quyết định này được ban hành, việc thoái vốn phải được thực hiện công khai, minh bạch nhằm chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Việc bán cổ phần phải đưa lên sàn chứng khoán. Vì như việc thoái vốn ở Sabeco, lúc đầu chỉ định giá khoảng 1,5 tỷ USD nhưng khi được bán đấu giá cổ phần cạnh tranh trên thị trường chứng khoán, Nhà nước đã thu về tới 5 tỷ USD. 

Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ quyền chi phối tại các doanh nghiệp năng lượng, lương thực, cảng biển và sân bay để bảo đảm an ninh quốc gia và hạn chế được những mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là khi đất nước phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước