Theo đánh giá, mùa mặn năm nay sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lượng với dự báo có thể phá kỷ lục mùa mặn lịch sử cách đây 4 năm. Biểu hiện là xâm nhập mặn đã xảy ra ở mức cao bất thường, sớm hơn năm 2015-2016 gần 1 tháng, sớm hơn trung bình nhiều năm tới 2.5 - 3.5 tháng. Ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long vào sâu đến gần 60 km.
Theo các chuyên gia thời tiết, mặn đến sớm, xâm nhập sâu là hệ quả của một mùa lũ thấp, mực nước đầu nguồn sông Mekong cạn kỷ lục. Biển hồ ở Campuchia với vai trò điều tiết 70 - 80% lượng nước về sông Cửu Long, thiếu hụt tới gần 22 tỷ mét khối nước so với thông thường.
Dự báo từ nay đến tháng 3, mực nước tại Biển Hồ tiếp tục ở mức thấp, không bổ sung được nhiều cho đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là thời kỳ hạn mặn diễn ra gay gắt nhất. Trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, đỉnh mặn sẽ xuất hiện vào tháng 3. Còn trên sông Cửu Long sẽ tập trung trong tháng 2.
Trước mắt, các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, từ ngày 11/2 đến 15/2, theo triều cường, mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào nội đồng. Ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110 km, đối với sông Cửu Long, mức sâu nhất sẽ khoảng 75 km. Đều vượt cùng kỳ năm lịch sử 2016 từ 4 - 15 km.
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử 2016, ngay từ tháng 9/2019, khi còn đang trong thời điểm đỉnh lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng xác định năm 2020 hạn mặn sẽ căng thẳng ở ĐBSCL nên cần đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xâm mặn tác động đến đời sống và sản xuất của nông dân. Bộ NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương đã có những chỉ đạo rất sát sao để từng bước thay đổi tư duy của người dân từ chỗ phòng chống sang thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!