ĐBQH băn khoăn khi giao nhiều quyền cho "ghế nóng" Chủ tịch UBND đặc khu

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ năm, ngày 24/05/2018 09:34 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên thảo luận sáng 23/5, chiếc “ghế nóng” của Chủ tịch UBND đặc khu được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Tuy không còn vị trí Trưởng đặc khu như dự thảo lần đầu nhưng trong dự thảo mới nhất trình Quốc hội lần này, vị trí Chủ tịch UBND đặc khu vẫn được phân quyền khá mạnh với hơn 70 thẩm quyền. Nhiều kỳ vọng vào môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng của đặc khu đồng nghĩa với nhiều kỳ vọng vào năng lực xử lý công việc của người đứng đầu UBND. Rất nhiều ý kiến đã tranh luận để có những quy định xác đáng nhất cho vị trí này.

Đồng tình với việc tăng quyền lực cho người đứng đầu đặc khu nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng cần điều chỉnh giảm một phần quyền của Chủ tịch UBND để san bớt cho các Phó Chủ tịch và ban ngành chuyên môn. Lý do là nếu việc gì cũng đến tay Chủ tịch,vị lãnh đạo này không có thời gian làm việc lớn. Ông dẫn ra một loạt các giấy tờ Chủ tịch phải ký như: cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh...

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nói: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký sẽ không có thời gian để lo việc lớn. Theo như dự thảo vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm khuyết điểm. 100 việc làm tốt, chỉ cần 1 việc làm sai thì đã không còn gì nữa, cho nên rất nguy hiểm".

Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng dự thảo luật trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND là xung đột với quy định hiện hành nên cần điều chỉnh cho phù hợp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đại biểu TP Hà Nội) băn khoăn khi dự thảo trao thẩm quyền quyết định đầu tư với các dự án nhóm A cho Chủ tịch đặc khu.

"Dự án nhóm A có những đặc thù hết sức quan trọng gắn liền với môi trường chính trị, an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy chúng ta nên cân nhắc việc giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết định đối với các dự án nhóm A, nhất là các dự án sử dụng nguồn lực từ phía ngân sách Nhà nước", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Tranh luận lại với những băn khoăn về việc giao nhiều quyền cho ghế nóng Chủ tịch, đại biểu Nguyễn Văn Thân lại cho rằng, đặc khu là thử nghiệm sự vượt trội, đột phá chắc chắn Chính phủ sẽ bố trí người đủ năng lực vào vị trí này. Còn nếu không dám giao thẩm quyền quyết định các vấn đề lớn coi như quay về cái như hiện hành.

Chia sẻ các thách thức mà người đứng đầu phải gánh vác, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lại cho rằng cần giao thêm sự chủ động cho Chủ tịch đặc khu. Đơn cử như giai đoạn đầu không nên quy định cứng số cấp phó mà để người đứng đầu linh hoạt chọn số người hỗ trợ mình theo nhu cầu, đến một giai đoạn ổn định sẽ thu hẹp số lượng lại. Ngoài ra, đại biểu băn khoăn nếu luật yêu cầu Chủ tịch phải xin ý kiến quá nhiều cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói: "Liệu người đứng đầu đặc khu đi hết một vòng để xin ý kiến các thành viên nêu trên có còn thời gian đủ cơ hội để thực hiện vấn đề đó hay không. Nếu xin ý kiến vấn đề mà còn có nhiều ý kiến khác nhau sẽ quyết định như thế nào, tôi đề nghị luật cần phải cởi trói, phải tháo gỡ những khó khăn cho nơi này và để người đứng đầu các đặc khu thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đúng như chủ trương đột phá của Đảng về xây dựng đặc khu".

Nhiều đại biểu cũng thống nhất mô hình HĐND, UBND với yêu cầu tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo không có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đơn vị đặc khu. Mô hình này đảm bảo kiểm soát quyền lực nhưng vẫn phát huy tập chung quyền lực đối với Chủ tịch UBND đặc khu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước