Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực

Ngọc Thành (Thời sự - thoisu@vtv.vn-Thứ bảy, ngày 01/11/2014 16:52 GMT+7

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong cả 3 lĩnh vực trọng tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước giải quyết những khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế.

Tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015 là nội dung chính mà các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp sáng nay (01/11).

Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng với sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành địa phương, đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong cả 3 lĩnh vực trọng tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước giải quyết những khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm so với nhu cầu, chưa có những chuyển biến mang tính đột phá mặc dù trong những năm qua doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.000 xuống còn 1.000 doanh nghiệp, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp còn chậm, nợ đọng trong đầu tư cơ bản ở các địa phương còn rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nói: “Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn đề các bộ ngành địa phương tiếp tục phê duyệt các đề án tái cơ cấu chuyển đổi mô hình DN nhà nước, xác định mô hình ngành nghề, kinh doanh ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, tránh tư tưởng chủ quan ỷ lại, xin cho, minh bạch hoạt dộng của doanh nghiệp, nhất là tình trạng lời giả lỗ thật”.

Ông Thân Đức Nam, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nói: “Tôi chia sẻ với Chính phủ, Nhà nước đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, ưu tiên trong 3 lĩnh vực nhưng những gì làm được đến hôm nay vẫn còn rất xa so với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh phát triển bền vững. Để đẩy mạnh tái cơ cấu, cần quyết tâm vượt qua trở ngại lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tăng tường tính công khai minh bạch trong thực hiện”.

Liên quan tới lĩnh vực tái cơ cấu các ngân hàng, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém song các giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tín dụng xử lý nợ xấu chưa được triển khai đồng bộ. Hoạt động của công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng VAMC còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng cũng thiếu minh bạch dẫn tới nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngành ngân hàng.

Ông Huỳnh Văn Tín, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nói: “Phải từng bước quản lý hợp nhất sở hữu chéo, nghiêm khắc xử lý các hình thức vi phạm pháp luật trong sở hữu chéo bằng cách minh bạch hóa thông tin tỷ lệ và đối tượng sổ hữu. Thậm chí, phải cưỡng chế bằng biện pháp hành chính, xử phạt đối với cá nhân tổ chức tín dụng tìm cách lách luật lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật tư lợi cá nhân làm giảm năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”.

Ông Trịnh Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nói: “Xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào hay bán ra hoặc là đẩy nợ xấu qua vấn đề khác mà phải làm sao để những tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả cho xã hội. Vì vậy, theo tôi, để giải quyết vấn đề nợ xấu, cần sửa luật dân sự bảo vệ quyền lợi chủ nợ; cần có cơ chế thống thoáng hơn cho VAMC bán nợ kể cả nhà đầu tư nước ngoài; gắn giải pháp xử lý nợ xấu với các vấn đề sổ hữu chéo, đầu tư chéo từ đó xóa bỏ hoàn toàn vấn đề nợ ảo, vốn ảo”.

Các đại biểu cũng cho rằng, sau 3 năm vừa qua, cái thiếu là chúng ta vẫn chưa có một đề án tổng thể về tái đầu tư công cũng như lộ trình và những bước đi cụ thể. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về tái cơ cấu đầu tư công, cũng như có những biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn từ tư nhân, nguồn xã hội hóa để xây dựng đầu tư các dự án quan trọng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước