Hôm nay (01/11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 lĩnh vực là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với nền kinh tế trong những năm tới đây.
Tuần đầu của kỳ họp Quốc hội, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Đại Dương bị bắt. Sai phạm của ông Thắm, cũng như của những vị nguyên là lãnh đạo ngân hàng Xây dựng trước đây đều bị phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát của ngân hàng nhà nước. 3 năm gần đây 120 vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã được phát hiện và xử lý, trong đó có vụ hết sức nghiêm trọng. Nhìn một cách tổng thể, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đánh giá là đang đi đúng hướng vì trong quá trình này, nhiều sự đe dọa đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như an ninh của cả kinh tế đã bị phát hiện.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nói: “Hai năm qua, đã có 8 tổ chức tín dụng được tái cơ cấu, trong đó có 4 tổ chức tín dụng đã mất tên nhưng chúng ta thấy quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức mất tên ấy không bị ảnh hưởng và hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn bình thường và lãi suất cho vay vẫn đang trên đà giảm xuống tương đương với mức của năm 2006-2007, như vậy chúng ta thấy người gửi tiền hết sức yên tâm”.
Trên bình diện chung, đại biểu Quốc hội mong muốn thấy quá trình tái cơ cấu gắn bó chặt hơn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bởi tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 năm qua mới chỉ là giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của nền kinh tế đó là thắt chặt đầu tư dàn trải, hạn chế sự tăng trưởng quá nóng và quản lý yếu kém của hệ thống ngân hàng đi cùng với việc đẩy nhanh hơn tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nói: “Vì chúng ta đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều quan trọng ở đây là phải xác định rõ mô hình tăng trưởng mà chúng ta hướng tới là gì, chúng ta phải cơ cấu các ngành các lĩnh vực như thế nào trên cơ sở đó gắn với việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà nói rộng ra là hệ thống tài chính. Tôi nghĩ cái đó là chúng ta còn phải tập trung để làm rõ định hướng của quá trình tái cơ cấu về mặt trung và dài hạn”.
Sáng nay, các Đại biểu Quốc hội sẽ chỉ ra những việc làm được và chưa được trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đành rằng, không thể nóng vội trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cũng không thể bình chân được nữa, bởi chỉ có tái cơ cấu đi liền với việc tìm ra được một mô hình tăng trưởng mới thì nền kinh tế mới không bị mắc bẫy thu nhập trung bình nghĩa là có thể quay trở lại được thời kỳ tăng trưởng trên 7% như trước đây.