Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chiều nay (17/8), cho ý kiến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thống nhất đầu mối quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công trong thời gian tới.
Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan. Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ nước ngoài cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển
Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn. Nhiều đại biểu cũng cho rằng thống nhất đầu mối quản lý nợ công sẽ tiết kiệm chi phí trong quản lý vay nợ và tạo điều kiện để kịp thời ứng phó với các thay đổi, diễn biến diễn ra trên thị trường vay nợ trong nước và quốc tế; phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng trong chiều nay (17/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!