Phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cho biết, trong những năm gần đây, cử tri và nhân dân phản ánh nhiều về tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười, sử dụng shisha hay còn gọi là thuốc lào Ả Rập diễn ra ở rất nhiều nơi nhưng kết quả xử lý còn rất hạn chế. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp để loại trừ nguyên nhân phát sinh các vi phạm, bổ sung cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Về hành vi sử dụng bóng cười, theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, bóng cười là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O mà "dân chơi" gọi là khí cười. Khí N2O không phải là ma túy, cũng không phải là tiền chất ma túy. Khí N2O là hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, có số thứ tự là 120 trong bảng Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định số 113 ngày 9/10/2017 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
"Qua tìm hiểu của chúng tôi thì khí N2O thường được sử dụng trong y học như một loại thuốc gây mê, an thần, giảm đau, tuy vậy, liều lượng và cách thức sử dụng phải được những người có trình độ chuyên môn cao hướng dẫn, nếu không sẽ xảy ra hậu quả khôn lường. Hiện nay, trong các vũ trường, nhà hàng, quán bar việc hít bóng cười như một trào lưu giải trí, một thú vui tiêu khiển của một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh và sinh viên. Khí N2O khi hít vào cơ thể có thể gây kích thích hệ thần kinh, tạo ảo giác khoan khoái, hưng phấn, tạo cảm giác cười, sử dụng quá liều sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, như làm ngạt thở, tê liệt chân tay, trầm cảm, thậm chí có nguy cơ tử vong", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cảnh báo.
Cho rằng hít bóng cười cũng là tiền đề, là công đoạn đầu tiên để tiến tới việc sử dụng thuốc lắc trong vũ trường và quán bar, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khẳng định, tác hại của việc sử dụng bóng cười là rất lớn, song việc sản xuất, sử dụng bóng cười lại quá dễ dàng và nếu không ngăn chặn sẽ gây hậu quả khó lường.
"Tôi đề nghị Luật Đầu tư lần này nên nghiêm cấm hành vi đầu tư kinh doanh bóng cười", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH Nghệ An). Ảnh: TTXVN
Về shisha hay còn gọi là thuốc lào Ả rập, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích, đây là một loại thuốc hút với thành phần chủ yếu là lá, rễ cây có nguồn gốc từ các nước Ả rập, được ướp mật ong, các hương vị của trái cây. Shisha hiện nay được kinh doanh, buôn bán trôi nổi trên thị trường rất nhiều nguồn gốc không phải là Ả rập chuyển qua mà chủ yếu là nhập lậu từ Trung Quốc.
"Hút shisha hiện nay được ưa chuộng và trở thành một trào lưu rất "hot", thể hiện đẳng cấp, độ ăn chơi trong thanh, thiếu niên, học sinh và sinh viên. Ngoài sự gây cảm hứng về thần kinh, đem lại cảm giác thư thái, hút shisha còn có nhiều hương vị dễ chịu như trái cây, mật ong. Tuy vậy, theo Tổ chức Y tế Thế giới và Hội ung thư Hoa Kỳ thì hút shisha gấp 100 đến 200 lần lượng khói và nhiều hơn 70% lượng Nicotin so với thuốc lá. Theo đó, người sử dụng shisha sẽ dễ bị gây nghiện, có nguy cơ bị mắc ho lao, ung thư phổi, ung thư vòm họng hoặc trụy tim mạch. Cùng với đó, nhiều người cùng sử dụng chung một vòi hút có thể lây nhiễm các bệnh như lao phổi, viêm gan và các đường lây nhiễm khác", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
"Việc sử dụng shisha gây tác hại lớn cho sức khỏe của mỗi người và cộng đồng, vì vậy, tôi đề nghị cũng đưa loại này vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh trong sửa đổi Luật Đầu tư lần này".
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhắc lại, tại kỳ họp thứ 6 năm 2018 đã phản ánh trước Quốc hội về tình trạng một số đối tượng buôn người tổ chức cho phụ nữ người dân tộc miền núi mang thai từ tháng thứ 7, thứ 8 ra nước ngoài chờ sinh con rồi bán con cho đối tượng nước sở tại.
Tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại đến bào thai, trẻ sơ sinh mà còn để lại hậu quả thương tâm cho người mẹ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội: "Quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ. Bào thai cũng chưa phải là trẻ em. Vì vậy, không thể áp dụng Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi hoặc Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người của Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây chính là nguyên nhân làm cho hành vi mua bán bào thai diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng".
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị: "Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện, tiền đề để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, tôi đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư về việc cấm các hoạt động kinh doanh bào thai, đề nghị viết lại điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư thành: "Mua bán người, bào thai, mô, bộ phận cơ thể người"".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!