Đề xuất CSGT kiểm tra nồng độ cồn khi xảy tai nạn giao thông

Minh Đức-Thứ ba, ngày 03/12/2019 15:00 GMT+7

VTV.vn -Theo dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, CSGT sẽ được kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích khi xảy ra TNGT.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Dự thảo gồm 3 chương 34 điều.

Theo đó, cán bộ CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường thực hiện những nhiệm vụ sau: 

1. Tổ chức cấp cứu người bị nạn. 

2. Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông. 

3. Tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc. 4. Thu thập thông tin ban đầu…

Đặc biệt, CSGT được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng CSGT để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại hiện trường hoặc yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đang được cấp cứu.

Dự thảo Thông tư này áp dụng với những đối tượng như: Công an các đơn vị, địa phương; Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân có liên quan; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Cán bộ CSGT điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Đối với trường hợp tốt nghiệp các trường ngoài ngành công an phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân; có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ 1 năm trở lên và đã được tập huấn nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Tại Khoản 2 Điều 5 của Dự thảo quy định rõ việc tổ chức tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông phải thực hiện 24/24 giờ các ngày trong tuần; công bố số điện thoại tiếp nhận tin báo vụ tai nạn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và dán công khai tại phòng trực ban của đơn vị.

Trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy thì tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, thông báo cho các đội, trạm CSGT trên tuyến phối hợp truy bắt.

Đáng chú ý, dự thảo thông tư đề xuất trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông bỏ chạy, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy… thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.

Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Công an nhân dân quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước