Đề xuất Giám đốc viện có quyền tự chủ trả lương, giữ chân bác sĩ giỏi

PV-Thứ năm, ngày 31/10/2019 17:30 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Bùi Thu Hằng – đoàn ĐBQH Hòa Bình đã nêu ra một số đề xuất trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) cho hay, hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập trong vấn đề tự chủ tại các bệnh viện công lập. Các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sĩ giỏi và có năng lực.

"Việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Nhiều bệnh viện khi thực hiện tự chủ có số thu không đủ chi lương và các chế độ cho cán bộ, viên chức. Mặt khác, chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các bệnh viện vùng núi, vùng khó khăn. Tại các vùng này, viên chức thu nhập thấp dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư nhân hoặc lên các bệnh viện tuyến trên", đại biểu Hằng nêu.

Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí các yếu tố như khấu hao tài sản, trang thiết bị, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý để bù đắp các khoản chi thường xuyên, trong đó chi các yếu tố chưa cấu thành trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Các bệnh viện đã tăng cường triển khai các dịch vụ xã hội hóa khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và tăng nguồn thu cho bệnh viện và có xu hướng lựa chọn các kỹ thuật có chênh lệch thu chi nhiều để sử dụng, tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao.

Đại biểu Bùi Thu Hằng nhận định, việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngày càng cần thiết. Do đó, để hạn chế vượt dự toán chi trả bảo hiểm y tế được giao, các bệnh viện sẽ lựa chọn những ca bệnh dễ, chi phí thấp để điều trị, những ca bệnh khó, chi phí cao được chuyển lên tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, đồng thời không khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến huyện.

Do đó, đại biểu Hằng đề nghị, ngoài tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập, cần đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình chuyển từ ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe.

Đề xuất Giám đốc viện có quyền tự chủ trả lương, giữ chân bác sĩ giỏi - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Thu Hằng – đoàn ĐBQH Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

"Chính phủ cần ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước, bảo đảm chi thường xuyên đối với các bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích thu hút người có trình độ chuyên môn giỏi làm việc tại các bệnh viện ở những vùng này", đại biểu Hằng đề xuất.

Để bảo đảm cho các bệnh viện tự chủ, đại biểu này cũng đề nghị Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 08 về hướng dẫn định mức biên chế trong các cơ sở y tế nhà nước đến nay không còn phù hợp.

"Cần nghiên cứu cơ chế chi trả tiền lương đối với các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Tôi đề xuất giao quyền tự chủ cho các Giám đốc bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, thu nhập để có thể khuyến khích và giữ được các bác sĩ giỏi và các cán bộ có năng lực", đại biểu Hằng kết lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước