Đề xuất mới về thời gian làm việc của người lao động

Minh Đức-Thứ hai, ngày 06/04/2020 17:30 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết của Bộ luật Lao động sẽ rút ngắn thời gian làm việc đối với lao động sắp nghỉ hưu, giải quyết các vướng mắc trong quy định cũ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.

Trong qua trình triển khai Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đã có một số khó khăn và vướng mắc như: Chưa rõ cụm từ làm việc theo ca, ca liên tục; cách tính thời điểm và thời gian giảm giờ làm việc đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; còn có cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định về việc nghỉ sau nhiều ngày làm thêm, tính số ngày phép nếu ngày làm việc không đủ tháng…

Một số tồn tại trên xuất phát từ các quy định trong Bộ luật lao động 2012. Cụ thể như quy định về giảm thời gian làm việc năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, nghỉ sau nhiều ngày làm thêm liên tục…

Để khắc phục những hạn chế trên và phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất sửa đổi dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi gồm 3 chương, 15 điều.

Trong đó có một số điểm đáng chú ý như, đề xuất bỏ quy định "Thời gian làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu" để phù hợp với quy định mới tại Khoản 2 Điều 148 của Bộ luật lao động (được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian).

Bên cạnh đó, Điều 4 của dự thảo đề xuất bổ sung Khoản 3 quy định "Đối với trường hợp làm việc không trọn ngày quy định tại Điều 32 của Bộ luật lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày".

Bộ LĐ-TBXH cho biết, đề xuất này xuất phát từ thực tế có người lao động chỉ làm 2 – 3 giờ một ngày (như phục vụ bàn trong các quán ăn…), nếu áp dụng quy định hiện hành chỉ được làm thêm 1 – 1,5 giờ, gây khó khăn cho tổ chức công việc khi cần làm thêm vào lúc cao điểm.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất bổ sung quy định mới tại Điều 7: Tính vào số giờ làm thêm trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể, khoản 1 đề xuất quy định cách tính cho các trường hợp áp dụng quy định làm việc không trọn ngày, trọn tuần hoặc ngày làm việc dưới 8 giờ, tuần làm việc dưới 48 giờ.

Nếu tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 8 giờ trong ngày, thì số giờ làm thêm vẫn phải trả lương làm thêm nhưng không tính cộng vào tổng số giờ làm thêm trong ngày, trong tháng, trong năm; nếu tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm từ trên 8 giờ đến 12 giờ trong ngày, thì số giờ vượt quá 8 giờ này phải trả lương làm thêm và cộng vào số giờ làm thêm trong ngày…

Khoản 2 đề xuất áp dụng cho trường hợp xây dựng thời giờ làm việc bình thường theo tuần quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Bộ luật lao động (thì số giờ làm thêm trong ngày phải trả lương làm thêm giờ nhưng không cộng vào tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm, nếu tổng số giờ làm việc trong tuần không quá 48 giờ).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước