Một nhóm di cư tự do ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: QĐND
10 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, làn sóng di cư tự do diễn ra phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Những người di cư tự do đến đây với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên, sau nhiều năm vật lộn với thiên nhiên, cuộc sống của họ không có gì thay đổi nếu không muốn nói là còn thậm tệ hơn nơi ở cũ.
Những nóc nhà bạt được dựng tạm là nơi sinh sống của hơn 400 hộ người dân tộc Mông thôn Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn trong nhiều năm nay. Di cư đến vùng đất mới, Vừ A Sai chuẩn bị đón thành viên mới trong gia đình, chỉ một tháng nữa, vợ Vừ sẽ sinh nở, nhưng lương thực trong nhà đã cạn, rau rừng là món ăn chủ đạo.
Vừ A Sai nói: “Trong gia đình có 6 người, chưa chắc đã thu được 30 bao thóc, nhà ở quê bán không về được, còn ở đây thì không có đất sản xuất, không biết làm thế nào, khổ quá!”.
Hai năm trước khi lên đây, Vừ A Sai và những người di cư hy vọng khai hoang được một mảnh ruộng nào đó để trồng lúa nước 2 vụ. Tuy nhiên, ở Mường Nhé phần lớn là đất rừng, ruộng có thể trồng lúa nước không nhiều và gần như đã có chủ, nơi nào có rừng mà có thể làm nương là họ khai hoang, nhưng chỉ được 2-3 năm đầu, những năm tiếp theo đều cho hạt lép do đất bạc màu, rửa trôi.
Vậy là giấc mơ của những người dân di cư đến vùng đất hứa Mường Nhé đã trở nên xa vời khi mà cuộc sống càng ngày khó khăn hơn nơi ở cũ. Ruộng nương sang năm thứ tư đã bạc màu cho năng suất thấp, giờ họ chỉ còn cách vào rừng hái măng bán lấy tiền trang trải bữa ăn cho gia đình.
Bây giờ đang là mùa măng, một ngày họ có thể kiếm được 40-50 ngàn đồng từ việc bán măng, nhưng mùa măng chỉ kéo dài hơn 2 tháng. Người Mông di cư đến đây phần lớn theo đạo, hàng tuần họ cầu nguyện, mong một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhiều năm rồi cuộc sống không thay đổi, nhiều hộ muốn về quê, nhưng nhà cửa đã bán hết.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của việc di cư tự do gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, đến 2015"- đề án 79. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, huyện Mường Nhé mới sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư được hơn 300 hộ hộ trên tổng số gần 2000 hộ đang cần sắp xếp, ổn định cuộc sống.
Ông Lù Văn Thanh, Phó Chủ tịch huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: “Vốn cho đề án này được xác định là 1.700 tỷ đồng là tương đối cơ bản. Tuy nhiên, với tiến độ cấp vốn như hiện nay thì hết sức khó khăn cho huyện trong việc tổ chức triển khai các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ, cải thiện đời sống người dân”.
Đề án 79 được ban hành, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào di cư tự do. Theo dự báo trong những năm tới, tình hình dân di cư tự do vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, vì vậy, cần đẩy nhanh thực hiện đề án 79, giải quyết những khó khăn về đời sống, sản xuất cho đồng bào, đồng thời ngăn chặn dân di cư tự do đến Mường Nhé, vùng đất không hứa hẹn về một sự đổi đời như những gì họ đã chứng kiến.