Nhà hát TP HCM, di sản kiến trúc nổi tiếng đang bị “lấn lướt” bởi nhiều tòa nhà cao tầng mới xây dựng. (Ảnh: CAND)
Đó là xem quy hoạch đô thị cũng là di sản hay nói cách khác di sản đô thị TP.HCM cũng là cái cần được nhìn nhận và bảo tồn song song với bảo tồn những di sản kiến trúc đơn lẻ.
Khi nhìn vào những bản đồ Sài Gòn cách đây trên dưới trăm năm, người ta có cảm nhận đô thị Sài Gòn lúc đó được qui hoạch thật gọn gàng, mạch lạc. Và với những hình ảnh này, Sài Gòn thật nên thơ và quyến rũ.
Sài Gòn từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông và nó từng là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, người dân Quận 1 TP.HCM nói: “Đã sống ở Sài Gòn hơn 60 năm, tôi từng rất tự hào vì Sài Gòn rất đẹp, rất thanh bình, sạch sẽ, thoáng mát. Giờ rất tiếc vì dù có phát triển về nhiều mặt, thành phố đã mất đi vẻ đẹp vốn có”.
Bộ mặt đô thị Sài Gòn- TPHCM thực sự thay đổi và dường như là vượt khỏi tầm kiểm soát trong vòng vài thập kỷ qua, khi mà dân số chỉ từ 500.000 lên gần 10 triệu người. Nhiều quy hoạch bị phá vỡ, nhiều bộ mặt đô thị bị băm nát.
Là một trong những con đường nằm trong vùng lõi và cũng là vùng đẹp nhất TPHCM, đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3 không còn vẻ êm đềm với những ngôi biệt thự thấp thoáng sau những hàng cây, mà đang căng mình với những cao ốc và quán xá. Đó là hệ quả của việc chỉ bảo tồn điểm di sản mà quên đi cảnh xung quanh, quên đi một quy hoạch đã làm điểm tựa.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta chưa xem quy hoạch là một tác phẩm, bằng chứng là rất nhiều người tham gia quy hoạch. Một quy hoạch từ phường lên xã, lên quận rồi chia 1/500, 1/2000. Tất cả những cách làm đó không phải là quy hoạch đô thị và đi ngược với thế giới”.
Theo các kiến trúc sư, với hai trung tâm chính là Quận 5 và khu vực Quận 1, Quận 3 hiện nay, đô thị thành phố theo quy hoạch trước đây đã đạt được nhiều giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan và chứa đựng cả lịch sử hơn 300 năm phát triển của thành phố, đáng được bảo tồn như một di sản quý. Tuy vậy, chỉ trong vòng 20 năm qua, trên địa bàn quận 1, 3, 4 đã có không dưới 50 công trình cao trên 15 tầng đã được xây dựng. Năm 2007, thành phố còn giới thiệu thêm 20 “khu đất vàng” với tổng diện tích hơn 50 ha để mời gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã có luật di sản, có nghị định hướng dẫn thực hiện luật đó và theo quy định đó thì một chính quyền, một hội đồng công nhận nó là di sản thì không ai được quyền xâm phạm và nếu ai vi phạm thì bị truy tố trước luật pháp. Chỉ có điều chúng ta quy hoạch vùng di sản chính xác chưa và chính sách đến vùng đó được xây như thế nào. Nếu xác định được những nội dung đó thì phục vụ rất tốt cho phát triển, tạo nguồn thu tốt”.
Quy hoạch đô thị hay di sản đô thị Sài Gòn xưa có đáng được nhìn nhận một cách chính thức hay không, có lẽ cần phải thêm thời gian để nhận câu trả lời từ phía các nhà quản lý. Nhưng một lo ngại hiện hữu, rồi đây, những hình ảnh đẹp sẽ mãi mãi biến mất ở vùng lõi TPHCM, cho dù nó vẫn quyến rũ du khách....