Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.
Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà có cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Cũng vì thế, từ cuối năm 2018, chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi - rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 - 5 tuổi đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao tại hơn 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ngoài việc tiêm chủng, Bộ Y tế cũng lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, nếu những nơi này không được kiểm soát hoặc có những khu cách ly riêng.
Nói đến hậu quả của dịch bệnh sởi, nhiều người chắc hẳn vẫn không thể quên sự kiện đau lòng xảy ra vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Thời điểm đó đã có hơn 100 trẻ tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi, phần lớn tập trung tại Hà Nội, mà chủ yếu các ca được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong tập trung cao ở Bệnh viện Nhi Trung ương được các chuyên gia nhận định đây là bệnh viện tuyến cuối nên những trường hợp nặng đều chuyển về đây kể cả trẻ nguy kịch, gây nên tình trạng quá tải bệnh nhân nặng. Trong khi đó sởi lại là bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Với các trẻ mắc bệnh sẵn sức đề kháng giảm, khi vào viện mắc thêm sởi, dẫn đến suy giảm miễn dịch nên trẻ dễ tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!