Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12 năm 2013 tới nay đã ghi nhận 1.201 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 672 trường hợp tử vong tại 3 nước vùng Tây Phi gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Trước nguy cơ virus Ebola ở Tây Phi có khả năng lây lan sang các khu vực khác trên thế giới, chính phủ nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Tại châu Á, ngành y tế một số nước như Trung Quốc và Thái Lan đã bắt đầu triển khai các kế hoạch nhằm đối phó với căn bệnh này.
Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do virus Ebola. Cụ thể, chính quyền Trung Quốc yêu cầu cơ sở y tế các cấp phải báo cáo bất kỳ trường hợp bệnh nhân nào nghi ngờ nhiễm virus Ebola trong vòng hai giờ kể từ khi phát hiện; cùng lúc vấn đề khử trùng phải được đặc biệt chú trọng. Các cửa khẩu ở sân bay được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ tình trạng sức khỏe những người nhập cảnh. Những người từ châu Phi nhập cảnh Trung Quốc sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Ở Thái Lan, Cục kiểm soát dịch bệnh của nước này đã thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt của hành khách từ các nước châu Phi ở các sân bay quốc tế. Các bệnh viện tại Thái Lan đã nhận được chỉ thị theo dõi các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm bệnh với các tiêu chuẩn được áp dụng cao hơn. Bộ Y tế công cộng Thái Lan cũng ban hành hướng dẫn đối với những hành khách có kế hoạch tới các nước châu Phi đang bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola.
‘ Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trên trường quay chương trình Chào buổi sáng ngày 04/08/2014
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus Ebola và nếu mắc bệnh khả năng tử vong là rất cao. Để có thêm thông tin về dịch bệnh nguy hiểm này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Mời quý vị cùng theo dõi!