Điểm chuẩn ngành Sư phạm quá thấp: Nguyên nhân và giải pháp

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/08/2017 10:46 GMT+7

VTV.vn - Dư luận trong tuần qua tiếp tục lo ngại với việc điểm chuẩn vào một số ngành Sư phạm chỉ ở mức điểm sàn. Thậm chí, có nhiều trường chỉ lấy điểm đầu vào 9-10 điểm/3 môn.

Tờ Tiền Phong nêu một thực tế: công ăn việc làm khó khăn, đời sống của giáo viên so với mặt bằng chung của xã hội không cao do vậy, sẽ là vô lý nếu đòi hỏi điểm ngành Sư phạm thuộc top 1. Thế nhưng, điều mà tờ báo coi là thực tế hiển nhiên đó đang là nguy cơ với ngành giáo dục.

Tiền phong: Báo động Sư phạm rớt giá

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng: Giáo viên luôn là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Nếu chất lượng thầy cô không xuất sắc thì sẽ không có được những sản phẩm xuất sắc.

Thanh niên: Học sinh giỏi khước từ Sư phạm

Tờ Thanh Niên phân tích, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được phê duyệt, nếu như thầy cô giáo không phải là những người giỏi, thậm chí là những người giỏi nhất trong số các học sinh trung học phổ thông, liệu chúng ta có thể có được một thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực như mục tiêu của chương trình?

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Tại sao từng có một thời điểm chuẩn vào ngành Sư phạm cao chót vót, mà nay lại thấp đến như vậy?

Điểm chuẩn ngành Sư phạm quá thấp: Nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 2.

Trên tờ Tiền Phong, Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng: một vài năm đầu khi có chính sách không thu học phí, đầu vào của Sư phạm rất cao. Nhưng sau đó, chính sách này không còn "thiêng" nữa. Bởi vậy đầu vào của Sư phạm lại giảm sút.

Tiền Phong: Tiếp bài báo động Sư phạm "rớt giá": cần bỏ ưu đãi đầu vào thay bằng đầu ra

Sư phạm cũng có một thời như quân đội, công an hiện nay. Nhưng thang giá trị đã khác mà chính sách không theo kịp diễn biến của thực tế.

Hiện nay, thu nhập ngành Sư phạm quá thấp, lương giáo viên mới ra trường chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng. Trong khi lương ngành quân đội, công an cao hơn so với mức chung 1,7 1,8 lần, lại chắc chắn có việc làm.

Một nguyên nhân quan trọng khác cũng được tờ báo phân tích, đó là đầu ra đang khủng hoảng thừa nên vào ngành rất khó khăn. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 155 trường có ngành đào tạo giáo viên.

Điểm chuẩn ngành Sư phạm quá thấp: Nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 4.

Đại đoàn kết; Ngành sư phạm cần chính sách mới

Tờ Đại Đoàn Kết cho biết: theo một thống kê năm 2014, cả nước thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Nếu cứ tiếp tục tuyển dụng sinh viên sư phạm như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp.

Trong xã hội hiện nay có hai nghề đặc thù đó là nghề giáo và nghề y. Nếu nghề y được đào tạo ra với trình độ chuyên môn kém thì cướp đi sinh mạng của con người; còn người thầy đào tạo ra kém thì sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học trò. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng: Nên chăng cần định hướng các trường sư phạm, nếu có điểm đầu vào thấp, thì nên dừng tuyển sinh khóa này chứ không phải tuyển lấy được, lấy đủ, tuyển sinh bằng mọi giá. Sáp nhập các trường sư phạm, chỉ để lại các trường có thế mạnh, có đủ điều kiện đào tạo đáp ứng đượng nhu cầu đổi mới.

Trước nhưng băn khoăn lo lắng của dư luận, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm: Thông tin "điểm đầu vào Sư phạm tụt dốc thảm hại" là không hoàn toàn chính xác. Vì bên cạnh một số trường sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp vẫn có nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn cao.

Điểm chuẩn ngành Sư phạm quá thấp: Nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 6.

Tuổi trẻ: Đầu vào Sư phạm tụt dốc thảm hại

Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Ngành giáo dục đang nhìn thấy hạn chế của chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành Sư phạm, nhưng việc khắc phục cần có thêm thời gian. Tới đây, việc quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trọng điểm, những trường là phân hiệu, vệ tinh.

Thanh Niên: Đầu vào Sư phạm trên 20

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục Đại học và trường sư phạm một cách căn cơ, có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển Đại học trên thế giới. Hiện nay, đa phần các trường đào tạo đơn ngành, quy hoạch cần có tính định hướng để các trường liên kết với nhau, trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời hình thành ngày càng nhiều trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng: Ngành Sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu quan điểm, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường Sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. "Dù thế nào cũng phải làm sao cho giáo sinh trường Sư phạm phải cảm thấy tự hào" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.


Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước