Với 423 đại biểu bấm nút tán thành, chiếm 86,86% tổng số đại biểu, 9h57 ngày 12/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trước yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Thiệt hại ước tính cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 là 12.300 tỷ đồng. Các chiêu thức tấn công ngày càng tinh vi, trong đó: trộm cắp liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, phát tán mã độc, tấn công sử dụng công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo hay mã hóa, đang phát triển phức tạp. Trước bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng khuôn khổ pháp lý về an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nội dung của Luật An ninh mạng, ngoài điều chỉnh các vấn đề về trật tự xã hội, thì theo Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông số, các quy định sẽ điều chỉnh và tác động trực tiếp đến 3 nhóm doanh nghiệp: Nhóm sản xuất và kinh doanh thiết bị, giải pháp kỹ thuật và an ninh mạng; Nhóm kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (Fintech); Nhóm cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số và giải pháp công nghệ.
Chính thức thi hành vào ngày 1/1/2019, mong muốn chung của đơn vị soạn thảo Luật cũng như cộng đồng doanh nghiệp là Luật An ninh mạng sẽ đi vào thực tế một cách hiệu quả, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, trên tinh thần xây dựng và đóng góp cho những văn bản dưới luật sắp tới được hợp lý và chặt chẽ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ những kiến nghị của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!