Dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã: Phép thử niềm tin

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/08/2017 23:07 GMT+7

VTV.vn - 580 trí thức trẻ có trình độ ĐH được đưa về các xã nghèo làm Phó Chủ tịch, trong một đề án được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong công tác cán bộ.

Hàng loạt địa phương tiếp nhận các bạn trẻ thuộc dự án này cho biết, địa phương không có chủ trương quy hoạch các trí thức trẻ. Họ hiểu rằng, đây là người của dự án Chính phủ, kết thúc dự án, các trí thức trẻ sẽ rời địa phương. Vì thế nhiều địa phương không dành định biên Phó Chủ tịch thuộc dự án.

Anh Đông là một trong những Phó Chủ tịch xã xuất sắc nhất trong số gần 600 Phó Chủ tịch xã về địa phương. Anh quê Tuyên Quang, được phân công lên huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Sau 5 năm, anh cũng như 35 bạn trẻ khác được phân công về Hà Giang đều chưa được địa phương bố trí công tác.

Có ý kiến cho rằng, có thể các Phó Chủ tịch xã trẻ của dự án đã không đảm đương tốt nhiệm vụ của mình nên địa phương không có hướng sắp xếp. Tuy nhiên, con số tại hội nghị tổng kết dự án đã đưa ra, trên 99,6% các Phó Chủ tịch xã được đánh giá là hoàn thành xuất sắc, tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả này do chính cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Trước khi có hội nghị tổng kết ở Hà Nội, 4 hội nghị tổng kết dự án tại các khu vực đã được tổ chức. Dự án đã mạnh dạn tin và trao vị trí lãnh đạo cho các trí thức trẻ, sự việc này chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, liệu có vội vàng khi đưa họ, trong đó có cả các cử nhân vừa ra trường về các xã nghèo và đảm nhiệm ngay vị trí lãnh đạo cấp xã? Có ý kiến cho rằng, cần có thêm thời gian, có thể từ 3 - 5 năm, để họ rèn luyện và thử thách trong môi trường thực tiễn.

Hiện Bộ Nội vụ cũng đang đồng thời triển khai dự án 500 trí thức trẻ làm công chức cấp xã, đến năm 2020 dự án sẽ kết thúc. Các trí thức trẻ sẽ đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã ở đúng chuyên ngành mình đã học. Tùy theo năng lực cũng như nguyện vọng, họ sẽ tiếp tục đóng góp, cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi.

Theo đề xuất của các địa phương, việc tuyển chọn trí thức trẻ cần bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đang thiếu cán bộ ở lĩnh vực nào. Với các địa bàn khó khăn, miền núi, những ngành học được ưu tiên là nông - lâm nghiệp, y tế - giáo dục.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước