Đủ các "chiêu trò" của doanh nghiệp để trốn đóng bảo hiểm xã hội

Minh Đức-Thứ sáu, ngày 25/10/2019 14:31 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp mặc dù có lợi nhuận nhưng lại chây ì, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng nhiều chiêu trò khác nhau.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp, các đơn vị thực hiện luôn phải đối mặt với muôn kiểu đối phó của các doanh nghiệp như khai gian số liệu, giấu sổ sách, thậm chí khiếu nại, kiện ngược lại đoàn thanh tra.

Ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm để trốn BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, cố tình chây ì và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước còn 32.205 đơn vị bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3-6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6-12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng nợ trên 12 tháng.

Trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội của các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng 2- 5 ngày, họ lại được ký tiếp "hợp đồng lao động mùa vụ".

Đoàn thanh tra phát hiện nhiều người lao động được ký hợp đồng lao động một năm (từ 6/2017) nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, đến tháng 12/2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4/2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với hợp đồng lao động mới và tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2018…

Trước đây, doanh nghiệp thường trốn đóng bảo hiểm xã hội bằng cách ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng. Tuy nhiên, từ 1/1/2018, cách ký 2 hợp đồng dưới 3 tháng sẽ không thể áp dụng, vì Luật Bảo hiểm xã hội quy định hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khả năng phát hiện doanh nghiệp gian lận sẽ cao hơn.

Quyết liệt giảm nợ BHXH, trốn đóng BHXH

Theo ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nguyên nhân cơ bản của tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt.

Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng lại cố tình chây ì, nợ bảo hiểm xã hội.

Người lao động, một mặt do sức ép việc làm và do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm 2019 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó, có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước