Rất có thể nhiều thói quen khi tham gia giao thông từ nhiều năm nay của tất cả chúng ta sẽ phải thay đổi bởi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 với nhiều điểm mới đang được xem xét.
- Khoản 6, Điều 10: Việc bấm còi inh ỏi, bật nhạc lớn sẽ bị hạn chế (trong điều kiện có thể tránh được) để không gây ảnh hưởng cho những người tham gia giao thông khác. Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường.
- Khoản 1, Điều 13: Để tránh ùn tắc tại các nút giao có đèn giao thông, các phương tiện gặp đèn xanh vẫn phải dừng lại nếu hướng định đi tới đang bị ùn tắc, nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu.
- Khoản 3, Điều 27: Bắt buộc môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông (cả ngày lẫn đêm) phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
- Khoản 6, Điều 93: Xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải bởi cơ quan đăng kiểm. Luật hiện hành chỉ bắt buộc đăng kiểm định kỳ với ôtô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô.
- Khoản 3 Điều 103: Người lái xe máy dưới 50 phân khối và xe đạp điện không vượt quá 4 kW phải có bằng lái xe hạng A0, Luật hiện hành không yêu cầu.
Đây chỉ là một số điểm nổi bật, ngoài ra còn rất nhiều những thay đổi khác.
Hai vấn đề đang được người dân quan tâm, tranh luận nhiều nhất là quy định bật đèn ban ngày. Để hình dung rõ hơn, sau đây là giải thích về các loại đèn trên những chiếc xe máy phổ biến ở Việt Nam.
Với đèn chiếu sáng, có hai loại là đèn cos và đèn pha. Đèn cos có góc chiếu thấp, để hỗ trợ tài xế quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, để tránh ổ gà, chướng ngại vật; được sử dụng khi xe đi trong nội thành, khu dân cư.
Đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, góc chiếu xa hơn và cao hơn, nhằm giúp tài xế quan sát được các vật ở xa, như chướng ngại và các biển báo giao thông; được sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, có phân làn, nhằm tránh gây lóa mắt cho các tài xế khác.
Loại đèn cảnh báo, thường được trang bị trên một số xe thế hệ mới. Đèn không có cường độ ánh sáng nhẹ, chỉ có tác dụng nhận diện, không chiếu sáng, tầm phát sáng ngắn.
Tuy nhiên, có một khác biệt rất lớn trong đặc điểm giao thông ở Việt Nam là lượng xe máy quá lớn, thay vì chỉ lác đác một vài chiếc như ở nước ngoài. Và ví như giờ cao điểm, ở những nút giao thông ùn tắc, nếu hàng nghìn chiếc xe cùng bật đèn ít nhiều sẽ gây cảm giác nóng nực, ngột ngạt, vậy liệu quy định bật đèn ban ngày có phù hợp không?
Một vấn đề nữa cũng đang được quan tâm là quy định đèn xanh cũng phải dừng lại khi phía trước có ùn tắc.
Tuy nhiên, khái niệm ùn tắc ở đây cũng khá tương đối, ùn tắc thế nào thì dừng lại, ùn tắc thế nào thì đi tiếp? Trong khi lực lượng cảnh sát giao thông phải giải quyết ùn tắc, lực lượng nào sẽ giám sát việc dừng - đi của các phương tiện?
Để ra bất cứ một quy định nào, những người làm luật cũng đã phải có sự nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Nếu không có gì thay đổi, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào kỳ họp đầu năm 2021.
Để một quy định trở thành thói quen lại mất thêm một khoảng thời gian nữa. Quan trọng nhất là làm sao mọi người nhận thức được sự đúng đắn của quy định ấy và thực hiện một cách tự giác, chứ không phải có lực lượng chức năng giám sát thì thực hiện, không có lại mạnh ai nấy đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!