Dự thảo luật phòng chống tham nhũng sửa đổi: Kê khai tài sản là cần thiết

-Thứ bảy, ngày 03/11/2012 15:17 GMT+7

Các đại biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: HNM)

Nhiều các đại biểu cho rằng việc luật có những quy định về kê khai tài sản là cần thiết, đây là một chế định quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Nếu không kiểm soát được thu nhập, chống tham nhũng sẽ khó khăn.

Chiều qua (2/11), Quốc hội làm việc tại các tổ thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Vấn đề được nhiều đại biểu cùng quan tâm là những qui định của dự thảo luật liên quan đến việc thực hiện kê khai tài sản.

Nhiều các đại biểu cho rằng việc luật có những quy định về kê khai tài sản là cần thiết, đây là một chế định quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Nếu không kiểm soát được thu nhập thì chống tham nhũng sẽ khó khăn. Tuy nhiên, để quy định này trong Dự thảo thực hiện được thực chất, một số ý kiến đề nghị không nên mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản mà cần giữ nguyên như Dự thảo. Bởi vì, thực tế thực hiện quy định công khai tài sản trong cán bộ lãnh đạo, Đảng viên hiện nay còn đang rất hình thức. Nếu mở rộng thêm sẽ càng khó thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: “Mở rộng ra sẽ càng hình thức, không kiểm soát quản lý được. Vậy nên để như luật hiện hành”.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng đồng tình: “Mở quá rộng trong khi chưa quản lý được việc kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản minh bạch là rất hình thức, không hiệu quả, chế tài đưa ra chưa đủ…”.

Không đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu cho rằng cần phải mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản. Tất cả công chức, viên chức, Đảng viên phải thực hiện có như vậy mới kiểm soát, phòng ngừa những sai phạm dễ mắc trong quá trình công tác. Những ý kiến theo quan điểm này cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản có thể là khó làm, nhưng sẽ làm được, nếu người thủ trưởng cơ quan thể hiện trách nhiệm người đứng đầu và gương mẫu thực hiện yêu cầu đó.

Ông Huỳnh Văn Tiếp - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ bổ sung: “Phải nêu là cán bộ, công chức, viên chức đều kê khai tài sản có mình, vì thực tế hiện nay, cán bộ công chức có khi không phải là Đảng viên mà thực hiện thẩm tra dự án, liên quan nhiều đến hoa hồng, tham nhũng. Thế nên, đề nghị thêm cán bộ, công chức, viên chức kê khai cho minh bạch góp phần theo dõi thủ trưởng của mình, không phân biệt Đảng viên hay không”.

Về hình thức công khai bản kê khai tài sản, nhiều đại biểu đề xuất có thể thông báo trên mạng, tại cơ quan, công khai ở nơi cư trú. Như vậy, sẽ huy động được cả sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ. Một số đại biểu cho rằng trong thực tế thu nhập công khai của nhiều cán bộ không cao, nhưng mức sinh hoạt rất cao và đề nghị cần phải làm rõ các thu nhập ngoài lương như các loại quà tặng… và mọi tài sản có được đều phải kê khai nguồn gốc do đâu mà có.

Ông Nguyễn Viết Nhiên - Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có ý kiến đề nghị kê khai tài sản gộp cả những người có huyết thống và có trách nhiệm kê khai trình trong cơ quan về những tài sản đó là do được cho hay tự làm.

Theo một số đại biểu, làm tốt việc công khai tài sản thì biểu hiện sinh hoạt bất thường, thu nhập có dấu hiệu bất chính đều có thể được kịp thời làm rõ, góp phần ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, các đại biểu này cũng đề nghị Dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung các qui định thẩm tra, quản lý và các điều kiện để các qui định về công khai tài sản được triển khai thực chất và hiệu quả.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước