Phát giác, tố cáo tội phạm dâm ô trẻ em

Đưa thông tin tố giác tội phạm dâm ô trẻ em lên Internet là việc làm sai lầm

Thùy Dương-Thứ ba, ngày 14/03/2017 14:47 GMT+7

Tố giác tội phạm dâm ô trẻ em trên Internet là việc làm lợi bất cập hại. (Ảnh minh họa)

VTV.vn - Theo LS Nguyễn Mạnh Thuật, GĐ Văn phòng luật Đông Nam Á, việc tố giác tội phạm dâm ô trẻ em bằng cách đưa thông tin lên Internet là việc hết sức nên tránh vì nhiều lý do.

Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ việc dâm ô với trẻ em bị phát giác, đưa ra ánh sáng, gây bức xúc trong dư luận. Nhằm gửi tới độc giả những thông tin chỉ dẫn, giúp hạn chế điều đáng tiếc có thể xảy ra với nhiều gia đình, đồng thời, hướng dẫn cách xử lý đúng đắn cho những gia đình có trẻ bị hại, VTV News đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Văn phòng luật sư hợp danh Đông Nam Á – SEALAW về vấn đề này:

P.V: Thưa Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, trong thời gian qua rất nhiều vụ phạm tội về xâm phạm tình dục trẻ em được đưa ra ánh sáng, đây có phải là một loại hình tội phạm mới đang phát triển không?

- Đây là một loại hình phạm tội đã bị phát hiện và xử lý từ rất lâu, tuy nhiên, đây là loại án ít công khai thông tin vì tính chất nhạy cảm và nhằm đảm bảo bí mật thông tin cho trẻ bị hại, không ảnh hưởng tới gia đình. Chính vì lẽ đó, trước đây thông tin về loại vụ án này không được công bố. Trong các Bộ luật hình sự 1985, 1999 và 2015 đều quy định về nhóm tội danh liên quan tới xâm phạm trẻ em.

Vậy theo Luật sư, yếu tố nào khiến loại hình tội phạm này đang có dấu hiệu gia tăng?

- Theo tôi, nguyên nhân cũng có thể do một số vấn đề xã hội, khi mà những thông tin độc hại xuất hiện ngày một nhiều dẫn tới việc những hành vi phạm tội diễn ra ngày một nhiều hơn. Và yếu tố khác là bởi người dân đang coi những phương tiện truyền thông trên môi trường Internet là nơi để phanh phui sự việc, vì thế, những vụ án xâm hại trẻ em được thông tin nhiều hơn.

Tuy nhiên, liệu việc đưa thông tin sự việc lên Internet có phải một cách xử lý đúng đắn của gia đình trẻ bị hại?

- Tôi nghĩ nên ĐẶC BIỆT HẠN CHẾ việc đưa thông tin sự việc lên các kênh truyền thông, đặc biệt là trên môi trường Internet vì tốc độ lan truyền khủng khiếp của thông tin trên môi trường này. Đây là việc làm lợi bất cập hại bởi nó sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến gia đình bị hại, gia đình nghi phạm, nghi phạm và chính bản thân trẻ bị hại.

Những người không am hiểu pháp luật thường không phân biệt được việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can… nên rất dễ bị kích động trước việc làm sai trái, lệch chuẩn đạo đức xã hội. Cần phân biệt rõ: Khởi tố vụ án chỉ nhằm thu thập chứng cứ, tiến hành điều tra. Khi đã có đủ tài liệu, bằng chứng để xác định đối tượng, cơ quan điều tra mới tiến hành khởi tố bị can để điều tra đích danh. Nói cách khác, khi một vụ án bị khởi tố, đối tượng nghi vấn chưa chắc đã là kẻ gây án. Đối tượng chỉ đang trong dạng tình nghi, nghi vấn – tức là 1 dạng giả thuyết, nếu không phải giả thuyết này thì là giải thuyết khác, không phải đối tượng này thì là đối tượng khác.

Chưa thể khẳng định 100% là đối tượng phạm tội mà đã đưa thông tin như vậy có thể gây phẫn nộ, kích động hành vi sai trái đối, dễ gây hậu quả nghiêm trọng với đối tượng nghi vấn, với gia đình đối tượng nghi vấn. Những hành vi như thế cũng được quy định là hành vi vi phạm pháp luật và một khi hậu quả xảy ra, những người thực hiện hành vi cũng sẽ trở thành kẻ phạm tội, bị pháp luật xử lý.

Bên cạnh đó, bản thân gia đình bị hại cũng không nên nóng vội công bố mọi thông tin chưa xác minh lên các phương tiện truyền thông, bởi lẽ, ngoài những nguy hại đối với gia đình nghi phạm cũng như gia đình bị hại, điều đó cũng có thể tạo cơ hội cho thủ phạm có thể thủ tiêu, xoá chứng cứ.

Xin lấy vụ án dâm ô trẻ em xảy ra ở Vũng Tàu làm một ví dụ, dù vụ án đã được khởi tố khá lâu, tuy nhiên cho tới nay, việc xử lý dường như vẫn chưa thoả đáng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vậy theo Luật sư, liệu có kẽ hở ở đây?

- Việc có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi dâm ô dù mức độ chỉ là lời nói, sự động chạm tiếp xúc bên ngoài giữa tội phạm với trẻ bị hại đã cho thấy động thái rất cương quyết của nhà nước về việc trừng trị loại hình phạm tội này. Ai cũng mong muốn công lý được thực thi và tôi không cho rằng có kẽ hở ở đây. Vấn đề là việc xác định loại hình tội phạm này lại rất khó khăn do yêu cầu của luật pháp là phải mô tả, chứng minh được hành vi của tội phạm.

Tội phạm hiếp dâm trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên thường để lại vết tích phạm tội rất rõ ràng nhưng đối với loại phạm tội dâm ô trẻ em, việc xác định hành vi của đối tượng khó khăn hơn. Bởi lẽ, hành vi của loại hình tội phạm này có thể là sờ mó, cọ sát... nhằm kích thích tính dục và việc để lại dấu vết là không rõ ràng. Trong khi đó, lời khai của trẻ bị hại lại có thể không đồng nhất vì nhiều yếu tố, khi đó, rất khó để cơ quan điều tra có thể xác định rõ ràng hành vi phạm tội.

Trong loại hình phạm tội này, buộc phải có băng ghi âm, ghi hình hoặc nhân chứng, vật chứng nếu không rất khó để kết luận tội phạm. Thậm chí, khi đối tượng tình nghi một mực nhận tội nhưng lời khai không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác thì lời nhận tội cũng không được coi là chứng cứ buộc tội.

Vậy cách xử lý đúng đắn trong trường hợp này là thế nào?

- Theo tôi, khi có nghi vấn trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình của trẻ nên xử lý bình tĩnh. Việc đầu tiên cần làm là xác định chính xác vấn đề, làm đơn tố cáo và gửi tới đúng nơi tiếp nhận, đúng trình tự, thủ tục.

Khi trẻ có biểu hiện xâm hại tình dục, gia đình cần thu thập lời khai của các nhân chứng; Thu thập bằng chứng, vật chứng có thể là những đồ vật, tang vật như quần áo, giày dép… còn lưu giữ được những dấu vết của kẻ phạm tội hoặc có thể là hình ảnh từ camera quanh khu vực phạm tội; Tìm kiếm dấu vết sinh học, bởi lẽ, khi bị ép thực hiện các hành vi quan hệ tình dục, xâm phạm thân thể trái ý muốn người bị hại thì người bị hại sẽ có ý thức phản kháng như cào cấu, đấm đá, gào thét… Do đó, trên người kẻ tình nghi hoặc trên người bị hại có thể sẽ có những vết tích, thương tích để lại - đó cũng là một dấu vết tội phạm.

Sau đó, gia đình bị hại cần nhanh chóng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan công an quận, huyện tại địa phương hoặc viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, để các đơn vị chức năng kịp thời ghi nhận, giám định, làm căn cứ điều tra, xử lý. Bởi lẽ, những vết tích có thể được xem là bằng chứng đó có thể mất đi theo thời gian và không còn đủ giá trị pháp lý.

Một khi cơ quan điều tra không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, gia đình bị hại có thể làm đơn khiếu nại gửi tới thủ trưởng cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Nếu không được, gia đình bị hại có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới cơ quan cấp tỉnh, thành phố.

Luật sư có lời khuyên nào để giúp các gia đình bảo vệ con em khỏi loại hình tội phạm này?

- Cách tốt nhất để giúp trẻ được bảo vệ khỏi loại hình tội phạm dâm ô là gia đình cần trang bị, huấn luyện cho trẻ những kỹ năng mềm cần thiết để tự vệ ví dụ như: tránh tiếp xúc cơ thể với người khác, có động tác phản kháng như la hét, kêu khóc… Tất nhiên, gia đình, xã hội cũng cần thường xuyên, quan tâm chăm sóc trẻ, tạo điều kiện để trẻ được phát triển trong môi trường lành mạnh nhất.

Cám ơn Luật sư vì những thông tin trên!

Hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục

Mọi thông tin xin gửi về Toà soạn Báo điện tử VTV News, Đài truyền hình Việt Nam, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
SĐT: (04) 66897 897

Email: toasoan@vtv.vn

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước