Tiếp tục thông tin về phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "tham ô tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Chiều hôm nay (13/12), kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại Tòa đã đọc bản luận tội. Theo đó, các bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị mức án tử hình.
‘ Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 đồng phạm tại tòa. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù trong quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo chỉ thừa nhận một phần các hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ tài liệu trong vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được cùng lời khai của các nhân chứng, đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
Vai trò của từng bị cáo được xác định như sau:
Dương Chí Dũng: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò là chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng của Nhà nước. Ngoài ra, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã tham ô hơn 28 tỷ đồng. Riêng Dương Chí Dũng tham ô 10 tỷ đồng.
Mai Văn Phúc: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng của Nhà nước. Riêng Mai Văn Phúc tham ô 10 tỷ đồng.
Trần Hải Sơn: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vai trò đồng phạm giúp sức, đã tham gia đoàn khảo sát, lập, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M không đúng với thực tế để hợp thức thủ tục mua, soạn thảo các văn bản đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng của Nhà nước. Chiếm hưởng cá nhân hơn 7,8 tỷ đồng.
Trần Hữu Chiều: được xác định đã ký các văn bản của Ban QLDA trình ông Mai Văn Phúc đề nghị phê duyệt Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Khi mua ụ nổi 83M, ông Chiều là trưởng đoàn khảo sát, ký báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M trình ông Phúc không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua ụ nổi, đề nghị và ký nháy chứng từ thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước. Bản thân chiếm hưởng 340 triệu đồng.
Theo đó, đại diện VKS nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị mức án:
Dương Chí Dũng: tử hình cho cả 2 tội danh. Mai Văn Phúc: tử hình cho cả 2 tội danh. Trần Hải Sơn: 28-30 năm tù. Trần Hữu Chiều: 22-24 năm tù.
Với nhóm bị cáo bị truy tố tội “cố ý làm trái”, đại diện VKS nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tuyên phạt:
Mai Văn Khang: 8-10 năm tù. Các bị cáo Bùi Thị Bích Loan; Lê Văn Dương; Huỳnh Hữu Đức; Lê Ngọc Triện; Lê Văn Lừng cùng bị đề nghị án phạt 6-8 năm tù.
Trong phần luận tội các bị cáo, công tố viên nhấn mạnh: Trong khi Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có Quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Dương Chí Dũng đã ký quyết định “Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt 1 ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn”. Triển khai dự án, Vinalines không thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu năm 2005 mà chỉ dựa trên cơ sở thư chào bán ụ nổi của Công ty AP – Singapore. Theo chỉ đaọ của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã hợp pháp hóa các thông tin về ụ nổi 83M không đúng thực tế để Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi 83M của Công ty AP với tổng giá trị đầu tư là hơn 14 triệu USD. Hai năm sau, Dương Chí Dũng lại ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư mua ụ nổi 83M là 26,3 triệu USD để bổ sung thêm tiền sửa chữa ụ nổi cũ nát, hư hỏng nặng này.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 28 tỷ đồng đã tham ô: Dương Chí Dũng (10 tỷ đồng), Mai Văn Phúc (10 tỷ đồng), Trần Hải Sơn (hơn 7,8 tỷ đồng) và Trần Hữu Chiều (hơn 340 triệu đồng).
Cả 10 bị cáo có trách nhiệm liên đới phải bồi thường số tiền thiệt hại gần 367 tỷ đồng gây ra cho nhà nước.
Ngày mai, phiên tòa được tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư và các bị cáo.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết dưới đây.