Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện
Thanh Trì, áp lực giao thông lớn với sự tập trung dân số đông là một trong những
nguyên nhân khiến tuyến đường Phan Trọng Tuệ thường xuyên ùn tắc.
Thực tế ghi nhận tại đoạn từ ngã ba
Cầu Dậu đến trước cổng Trường tiểu học xã Thanh Liệt dài 1,5 km trên tuyến đường
Kim Giang, đường Phan Trọng Tuệ đoạn đi qua Nhà máy phân lân Văn Điển, đường Cầu
Bươu… thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Vào giờ cao điểm, người dân phải nhích từng
cm trên đường là chuyện không hiếm. Đặc biệt, đường Cầu Bươu là tuyến thường có
lưu lượng người, xe cộ qua lại đông và có nhiều xe container siêu trường, siêu
trọng qua lại suốt ngày đêm vì thế tình trạng ùn tắc càng dễ xảy ra.
Ngày 20/9 vừa qua, sau một vụ va chạm
nhỏ trên đường Phan Trọng Tuệ, đoạn
qua cầu Tó (huyện Thanh Trì, Hà Nội) rơi vào cảnh tắc đường nghiêm trọng, kéo
dài suốt nhiều giờ đồng hồ. Do vụ va chạm xảy ra vào giờ cao điểm nên tình trạng
ùn tắc bắt đầu từ khoảng 7h30 kéo dài đến 10h30 mới được giải tỏa. Nhiều người
đã phải đứng "chôn chân" tại chỗ vì không thể di chuyển nổi.
Hà Nội ngày 20/9 chứng kiến cảnh tắc đường kinh hoàng 4 tiếng đồng hồ tại ngã tư đường Phan Trọng Tuệ Thanh Trì, Hà Nội (Ảnh: Dân Trí)
Trước câu hỏi về giải pháp cho thực
trạng này, ông Đặng
Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện
Thanh Trì cho biết: "Về ngắn hạn, tình trạng
ùn tắc kéo dài trên tuyến đường Phan Trọng Tuệ thuộc trách nhiệm của huyện. Hiện,
chúng tôi cũng đã thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước để giảm thiểu tình
trạng này. Như ngay khu vực Cầu Tó có đồn công an Cầu Bươu, các đồng chí đã cắt
cử các lực lượng phân luồng giao thông tuy nhiên áp lực lớn, khó tránh khỏi
tình trạng ùn tắc. Toàn bộ khu vực khu đô thị Đại Thanh, với số dân khoảng
12-13 nghìn người tỏa ra khu vực này thì
áp lực là rất lớn, để không ùn tắc thì rất khó khăn".
Tuy nhiên, về dài hạn, theo ông Quỳnh, đường Phan Trọng
Tuệ là tuyến đường được thành phố Hà Nội đưa vào danh mục công trình kêu gọi xã
hội hóa đầu tư theo hình thức BOT và theo kết luận của lãnh đạo của thành phố
là giao cho các sở ngành, và các nhà đầu tư để triển khai dự án này.
"Trong thời gian tới, hy vọng khi thành phố kêu gọi được các nhà đầu tư BOT, con đường sẽ thông thoáng hơn, giải tóa áp lực giao
thông như hiện nay, đồng thời giúp cơ sở hạ tầng của địa phương tốt hơn", ông
Quỳnh cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!