Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa chắc chắn về thời gian vận hành

Minh Đức-Thứ năm, ngày 21/03/2019 17:31 GMT+7

VTV.vn - Sau khi được nghiệm thu và có sự cho phép của hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tuyến đường sắt có thể sẽ đi vào thử nghiệm chở khách vào cuối tháng 4.

Mới đây, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội đã phủ nhận thông tin đường sắt đô thị Hà Nội nhận chở khách từ đầu tháng 4 tới. Theo vị lãnh đạo này, đường sắt trên cao sẽ chưa thể hoạt động chở khách từ 1/4 như dự đoán. Bộ GTVT cũng vừa kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo các cơ quan làm việc hết công suất để cuối tháng 4 có thể thử nghiệm chở khách.

Về giá vé, lãnh đạo công ty Đường sắt Hà Nội cho biết đã xây dựng dựa trên 5 tiêu chí gồm thu nhập của người dân và khả năng chi trả, tính toán cạnh tranh chi phí với các phương tiện khác, khảo sát ý kiến người dân, chi phí vận hành, cân đối khả năng trợ giá của ngân sách nhà nước. Cụ thể, ông Trường cho biết, giá vé sẽ được trợ giá của thành phố như xe bus trong giai đoạn đầu, mức trợ giá khoảng trên dưới 50%.

Ông Trường cũng cho hay, theo khảo sát cự li dự án, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km, cự li đi lại của mỗi hành khách khác nhau, tính trung bình là 6,5km. Như vậy với 6,5km, hành khách đi vé ngày là 11.000 đồng, bằng 1,75 lần so với giá vé xe bus đồng hạng. Hành khách đi metro sẽ được bù lại bằng tốc độ di chuyển, không bị tắc đường như những phương tiện công cộng khác.

Dự án đường sắt là trọng điểm quốc gia, có hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước về công trình, trang thiết bị, đào tạo nhân lực và cấp chứng chỉ. Nói về lý do tuyến đường sắt chưa chính thức vận hành vào đầu tháng 4, lãnh đạo Công ty Đường sắt Hà Nội cho biết, sẽ chỉ chở khách khi có chứng chỉ an toàn hệ thống và có nghiệm thu, được sự cho phép của hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Về lái tàu, ông Trường thông tin, 37 người được tuyển chọn đào tạo tại Trung Quốc sẽ được học lý thuyết 6 tháng, lái tàu ở Bắc Kinh 6 tháng và có quy trình sát hạch theo yêu cầu. Ngoài ra, cũng có quy định cụ thể về số giờ lái tàu trong 1 năm, một ngày không lái quá 4 tiếng liên tục, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi vận hành.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cũng khẳng định, các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đường sắt đô thị là đầu tư để cung ứng dịch vụ công. Do đó, dù không mang lại mặt hiệu quả về phương tiện tài chính nhưng lại mang được hiệu quả kinh tế xã hội tổng hợp, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Nói về tiềm năng phục vụ vận tải công cộng của tuyến đường sắt, ông Trường cho hay, năng lực vận hành của một đoàn tàu 4 toa là 960 khách, nếu trong 1 tiếng đồng hồ, toàn bộ chỗ ngồi đều kín thì sẽ chở được 19.000 - 20.000 hành khách, tương đương 55 - 60% lượng người trong giờ cao điểm.

Ông Trường khẳng định Hà Nội đang đi đúng hướng trong 3 giai đoạn hạn chế phương tiện cá nhân. Giai đoạn 1 là ưu tiên nguồn lực để phát triển hành khách công cộng, để cải thiện hạ tầng cho người đi bộ và các luồng phương tiện. Đây gọi là giai đoạn mua thói quen của người dân đi phương tiện công cộng. Giai đoạn 2 là kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân, giai đoạn 3 mới chuyển sang hạn chế, tiến tới dừng sử dụng nếu đủ điều kiện. Khi điều kiện hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của người dân, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ không còn quá xa vời với Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước