Duy tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tâm điểm của báo chí và dư luận

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/01/2017 11:11 GMT+7

VTV.vn - Việc tu sửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận trong những ngày này.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, khẳng định đó chỉ là quét vôi, chứ không phải sơn lại. "Nhiều hạng mục bị nấm mốc, bẩn thỉu, chẳng hạn nhà Bái Đường gần hai chục năm nay chưa vệ sinh cấu kiện. Sau khi du khách phàn nàn, chúng tôi mời đơn vị khảo sát kết cấu gạch, họ tư vấn cần vệ sinh, quét vôi trang trí, trám lại tường bị rêu bao phủ để tránh xuống cấp" - ông Kiêu cho biết.

Phía ủng hộ việc tu sửa đưa ra các lý lẽ: Thứ nhất, "Việc trùng tu theo hướng quét sơn lại bằng vật liệu hữu cơ như vôi, than bùn là đúng. Thực ra màu rêu phong không có chức năng bảo vệ, nó chỉ phá hủy công trình mà thôi".

Thứ hai, hoa văn không hề bị mất đi, thậm chí những hoa văn cũ được làm rõ nét hơn nữa. Thứ ba, "Có thể người dân chưa đủ chuyên môn, hiểu biết nên thoạt nhìn màu vôi thấy sợ, lo di tích bị hỏng. Một thời gian nữa nó sẽ ngả màu, trả lại sự cổ kính".

Ngoài ra "ở Việt Nam, mọi người cứ nghĩ di tích phải cổ, cũ kỹ, nâu sòng, mộc mạc nhưng phải nghĩ lúc mới xuất hiện nó cũng sặc sỡ, lộng lẫy chứ".

Có chuyên gia cũng nhắc lại sự việc ồn ào khi tu bổ Ô Quan Chưởng, ban đầu người dân thắc mắc vì Viện Bảo tồn Di tích đắp xi măng, diệt cây dại, nấm mốc xâm nhập di tích. Và đến nay di tích này được gia cố vững chắc, nhuốm màu thời gian sau ít năm mưa nắng.

Thế nhưng, không phải ai cũng đồng ý với những luận điểm này. Nhắc đến di tích Ô Quan Chưởng, báo Pháp luật Việt Nam đưa ra hai bức ảnh trước và sau khi di tích này được tu bổ năm 2010. Tờ báo cho rằng, cửa ô này được trông giống như được xây mới chứ không giống một di tích lịch sử vừa được tu bổ, tôn tạo. Không còn nét rêu phong, cổ kính, cũng không còn vẻ trầm mặc, suy tư của một di tích lịch sử chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ.

Theo tờ Lao động, cái duy nhất đúng là việc di tích thì phải trùng tu, bởi nếu không trùng tu sẽ rất nhanh, nó sẽ thành phế tích. Trùng tu, ở đâu cũng vậy, chỉ có thể là "Giúp di tích cổ tồn tại bền vững mà không lộ các can thiệp mới". Có thể, lớp vôi ve ở Văn Miếu sẽ cũ đi theo nắng mưa - như cách những người trùng tu lý luận.

Có thể, người ta sẽ quen mắt với đài tưởng niệm mới ở Huế. Nhưng so sánh với Hội An, Mỹ Sơn... những nơi được Nhật Bản giúp đỡ trùng tu mà không thể nhìn ra dấu vết can thiệp thì tấm bia ở Huế, rất chính xác, đang được coi như "làm hàng giả". Bởi cái hồn cốt của di tích, cái tinh tế trong rêu phong thuở cũ như bát nước đầy đã đổ đi không thể lấy lại được.

Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, trường hợp Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc quét nước vôi khác màu so với màu nguyên thủy của di tích rất không nên.

Các bậc tiền nhân khi làm một công trình, có nơi sơn màu đỏ, có nơi người ta sơn màu vàng, có nơi sơn màu nâu. Tất cả đều có ý tứ trong đó chứ không phải ngẫu nhiên muốn làm gì thì làm. Ví dụ, sơn màu vàng bởi theo triết lý Đông phương, màu vàng là màu thổ, màu của đất, thể hiện cả một nền văn minh nông nghiệp. Giờ với di tích đó, ta sơn màu đỏ hay màu xanh thì đảo lộn hết các giá trị.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước