Theo Đề án "Đổi mới quản lý vận tải đường bộ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông", Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải, xe khách, xe tải và taxi từ 1 "sao" cho đến 5 "sao".
Trong khi các tỉnh, thành đang nghiên cứu, đóng góp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án, các đơn vị vận tải tỏ ra rất băn khoăn với hơn 90% doanh nghiệp chưa đồng tình. Bởi nhiều người lo ngại, sẽ không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong việc chạy chọt để được "gắn sao" nâng hạng, đồng thời tạo thêm gánh nặng tốn kém cho chủ xe, doanh nghiệp.
Anh Bùi Văn Sơn, tài xế Công ty TNHH Thành Bưởi cho biết: "Tôi thấy việc này hình thức quá. Xe chất lượng hay không chất lượng, hành khách sẽ là người tự đào thải chúng tôi. Bởi có gắn nhiều sao đi chăng nữa, hành khách không chọn cũng chẳng có ý nghĩa gì? Chưa kể còn sinh ra tình trạng chạy chọt để có thứ được hạng tốt".
Các tiêu chí để đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ của xe sẽ bao gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ hậu kiểm chất lượng dịch vụ, tiến hành xử phạt vi phạm, thậm chí là "hạ sao". Những bất cập và những phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực này rất có thể xảy ra. Trong khi đó, hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát và hạn chế tai nạn giao thông của đề án này lại chưa rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, một hành khách băn khoăn: "Tôi chọn xe có sao loại tốt để đi, nếu sau đó việc đưa đón không đúng như cam kết, ai chịu trách nhiệm và biết khiếu nại ở đâu?"
Anh Nguyễn Văn Cường, Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Cần Thơ, cũng cho biết: "Tôi thấy đề án có nhiều tiêu chí rất khó đánh giá như: Thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ. Bởi vì người đánh giá đâu có theo sát chúng tôi đâu mà biết tốt hay xấu. Trong trường hợp, nếu xe đó được công nhận tốt rồi nhưng sau đó lại làm xấu đi ai biết mà kiểm tra. Theo tôi, nên để khách hàng họ quyết định là chính xác nhất".
Từ trước đến nay, đối với phương tiện vận tải, đã có nhiều chương trình và đề án nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm và hạn chế tai nạn. Thế nhưng, những vi phạm và tai nạn giao thông trong lĩnh vực này vẫn diễn ra thường xuyên. Vì vậy theo nhiều chuyên gia, Đề án "Đổi mới quản lý vận tải đường bộ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông" sẽ thật sự mang lại hiệu quả, chỉ khi nó được xây dựng sát với điều kiện thực tế.