Sau hơn 5 chờ đợi, công trình thủy lợi ở buôn Lé do công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư xây dựng được đưa vào sử dụng. Nhờ có công trình này một số bà con ở xã Krông Pa, những hộ phải di dời vì thuỷ điện đã trồng được lúa nước 2 vụ. Tuy nhiên, lại có rất ít hộ có đất để sản xuất lúa.
Theo kế hoạch, cùng với việc đầu tư công trình thủy lợi, phía huyện Sơn Hòa và Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cùng tổ chức khai hoang 300ha lúa nước cấp cho các hộ dân nhưng đến nay chỉ có 43ha đất lúa được cấp cho người dân. Không có đất sản xuất người dân càng rơi vào khó khăn.
Còn ở các khu tái định cư, cơ sở hạ tầng do các thủy điện đầu tư đã xuống cấp. Người dân ở đây cũng chẳng biết đến bao giờ được sửa chữa. Khó khăn cứ tăng dần ở các khu tái định cư. Năm 2012, hơn 90% hộ dân các khu tái định cư do thủy điện ở huyện Sông Hinh là hộ nghèo và con số này tiếp tục tăng lên trong gần 2 năm qua.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Đời sống bà con còn rất khó khăn. Bà con dân tộc chủ yếu làm nông, không có đất họ đi phá rừng. Đề nghị Nhà nước sớm hỗ trợ nhất là phải hoàn thành hai công trình thủy lợi để hỗ trợ bà con”.
Trong đợt kiểm tra thực hiện các dự án tái định cư sau thuỷ điện do đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây cho thấy, phần lớn người dân ở đây đang rơi vào cảnh khó khăn. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm khiến cuộc sống người dân tái định cư do thuỷ điện càng thêm túng quẫn. Chỉ tính riêng tại huyên Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, người dân đã phải nhường đất cho hơn 1.500ha đất cho thủy điện nhưng đến giờ chỉ có 255ha đất sản xuất được cấp cho bà con.
Hy sinh mảnh đất của mình cho điện lưới quốc gia nhưng khi chuyển đến khu tái định cư, các hộ dân lại phải chịu thiệt thòi về mặt sinh kế. Đó là điều mà người dân không hề mong muốn. Nếu như phương án giải quyết đất sản xuất cho người dân ở các khu tái định cư sau thủy điện không nhanh chóng giải quyết thì không biết đến bao giờ người dân ở đây mới có được cuộc sống ổn định.