Theo số liệu thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hiện tượng sạt lở đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là vào khoảng thời gian đầu và cuối của mùa mưa lũ.
Điểm sạt lở dài 2.300m xảy ra vào tháng 3 năm nay tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Gần 230 hộ dân sẽ phải di dời. Tuy nhiên đến nay, địa phương mới di dời khẩn cấp được 70 hộ.
Sinh sống tại đây từ nhỏ, anh Phương cho biết trước đây bên phía bờ này của sông Tiền ở là bồi, nhưng nay đã chuyển sang lở và tốc độ sạt lở diễn ra ngày càng nhanh. Cuộc sống và sinh kế của hàng trăm gia đình nằm trong vùng sạt lở bị tác động mạnh.
Tình trạng sạt lở cũng đã khiến nhiều khu vực rừng phòng hộ biến mất. Đến nay, theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786km. Sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch với 513 điểm.
Còn sạt lở bờ biển có 49 điểm với tổng chiều dài 266km, trong đó chủ yếu khu vực bờ biển thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!