Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sạt lở vùng hạ lưu cửa sông, cửa biển tại các tỉnh duyên hải miền Trung diễn biến phức tạp, có xu hướng bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an toàn đê kè biển, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất và đặc biệt đe dọa đến tính mạng của hàng ngàn người dân sống ven bờ. Trong khi đó, các giải pháp ngăn chặn sạt lở vẫn chưa được triển khai kịp thời.
Theo Tổng cục Thủy lợi, tình trạng sạt lở tại các cửa sông, cửa biển miền Trung đang ở mức báo động với cường độ và quy mô ngày càng lớn. Chỉ tính riêng trong vòng 2 năm qua, trong gần 900km bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên đã có 164 đoạn sạt lở nặng, tổng chiều dài hơn 170km.
Tại khu vực Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền từ 50-200m. Tình hình sạt lở đang có xu hướng lan dần đến các khu vực lân cận như biển Hà My, thị xã Điện Bàn và bãi biển TP Đà Nẵng. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân do sụt giảm bùn cát, lưu lượng nước từ thượng lưu giảm sút, biến đổi khí hậu...
Bên cạnh việc ngăn sông làm thủy điện ở thượng nguồn thì tình trạng khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông cũng đang gia tăng khó kiểm soát, công tác quản lý hoạt động khai thác cát và bảo vệ rừng ngập mặn còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương chủ yếu áp dụng các phương pháp truyền thống, một số địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên trong khu vực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!