Giải bài toán rác thải cho Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/01/2019 09:27 GMT+7

VTV.vn - Phương pháp xử lý rác thải bằng cách chôn lấp đang gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tuần qua, người dân ở các quận nội thành Hà Nội đã phải bịt mũi đi qua nhiều tuyến phố. Rác thải chất đống 4 ngày liền trên các quận, gây ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân là bởi người dân xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã lập chốt, dựng lều bạt và chặn xe chở rác vào bãi rác ở đây, từ đó khiến rác nội thành không được mang vào điểm tập kết và chôn lấp, kéo theo ùn ứ tại các con phố. Người dân ở xung quanh rất bức xúc về ô nhiễm kéo dài, nhưng hơn cả, việc họ chặn xe rác liên quan đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để người dân di dời đi chỗ khác.

UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức đối thoại ngay với người dân và thực thi các biện pháp khẩn cấp. Đến ngày 30/3, cơ quản quản lý sẽ duyệt phương án bồi thường, và trong quý II tiến hành trả tiền cho người dân.

Điều đang nói là không chỉ ở khu xử lý rác thải Nam Sơn, nếu cả ở những khu xử lý rác khác mà vẫn chôn lấp, thì khó có thể giải quyết dứt điểm việc chặn xe rác. Đây là quan điểm được đưa ra trên tờ Tiền Phong.

Cụ thể, đại diện sở xây dựng Hà Nội cho hay nếu tiếp tục chôn lấp rác, khu xử lý chất thải Nam Sơn sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Sở đang vận dụng đóng khối rác để giảm thể tích chôn lấp, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế và cũng chỉ có thể chôn lấp đến năm 2021.

Vậy rác năm 2021 của Hà Nội sẽ đi đâu? Đặc biệt khi áp lực khu đô thị của thành phố đang gia tăng nhưng lại bỏ qua hạ tầng về môi trường. Phương pháp chôn lấp rác hiện nay dù tốn diện tích, khó kiểm soát vệ sinh môi trường nhưng lại được sử dụng, chỉ vì chi phí rẻ nhất.

Theo các chuyên gia, thành phố cần sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, kêu gọi các dự án đốt rác thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Ngoài ra, Hà Nội nên áp dụng cơ chế đầu tư dự án theo hình thức công tư để giảm áp lực ngân sách. Người dân đang bỏ ra số tiền quá ít cho xử lý rác thải nên vẫn ỷ lại ngân sách nhà nước.

Phương pháp đốt rác thu hồi nhiệt năng được áp dụng ở nhiều nước khá hiệu quả, nhưng Việt Nam muốn áp dụng được công nghệ đó, trước tiên phải làm tốt việc phân loại rác đầu nguồn. Trong khi đó, hiện chỉ có TP.HCM là thí điểm việc này.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xử lý rác thải là một chủ đề lớn, bởi không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành khác đều phải đối mặt với vấn đề này, nhất là Việt Nam có tới 13 triệu tấn rác ở nông thôn chưa được xử lý. Điều quan trọng là nhiều tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác, tuy nhiên đáng buồn là không ít mô hình đã thất bại, do công nghệ. Nhưng cũng có không ít mô hình thành công như lò đốt rác mini ở Hải Hậu và nhà máy dùng rác để phát điện như ở Quảng Bình, nhưng đáng tiếc là các mô hình thành công chưa được sớm tổng kết để nhân rộng. Vì thế, nếu vấn đề rác thải không được sớm giải quyết thì sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước