Nhiều con số thống kê cho thấy, số lao động ở nông thôn phải ly hương, tìm kiếm việc làm ở nơi khác, hay nói như nhiều người dân ở ĐBSCL là đi Bình Dương, đang tỷ lệ nghịch với số lượng khu, cụm công nghiệp về làng.
Để phát triển công nghiệp nông thôn bền vững, hiệu quả, theo ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nông thôn, cần phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp về nông thôn. Thứ nhất là phải hướng tập trung vào công nghiệp chế biến sâu cho nông sản, thứ hai là phải liên kết được với làng nghề, phải cơ cấu lại và đưa công nghiệp phụ trợ vào để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Công nghiệp về làng phải kết nối được với đào tạo nguồn nhân lực đi trước để những nông dân trẻ gắn bó với nông thôn, gắn bó với các sản phẩm lao động, có thể tạm gọi là các mối liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp, công nhân với nông dân, gia đình và xã hội. Khi nó có một mối liên kết chặt chẽ như vậy, nó sẽ có sự phát triển bền vững hơn.
Cũng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, một khu, cụm công nghiệp tại nông thôn đúng nghĩa là phải khai thác được thị trường tiềm năng ở nông thôn, hay giải quyết những ngành mà công nghiệp đô thị không nên làm hoặc làm kém hiệu quả. Câu chuyện tại xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình có thể coi là một kinh nghiệm đáng tham khảo cho vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!