Dù hạn mặn năm nay đã được dự báo trước và chính quyền cũng đã huy động người dân tích trữ nước ngọt từ sớm nhưng hàng người dân các tỉnh miền Tây vẫn đang phải vật lộn với tình cảnh cạn kiệt nguồn nước ngọt "thiệt". Nguồn nước máy từ các nhà máy cấp nước trên địa bàn và kể cả từ hệ thống nhà máy của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đều đã bị nhiễm mặn, không sử dụng được. Để tạm thời ứng phó với tình thế khó khăn, các tỉnh phải huy động nhiều nguồn lực để mang nước về cho người dân.
Như tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, các cán bộ nơi đây phải thay phiên nhau túc trực 24/24h để phân phát nước ngọt cho người dân sau khi nước ngọt được chở về bằng xà lan và được lắng lọc qua các hồ chứa. Không những vậy, theo ông Mai Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, chính quyền các xã cũng vận động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể và cả lực lượng công an để phối hợp mang nước ngọt về cho người dân sử dụng. Huyện Mỏ Cày Bắc hiện đang áp dụng mô hình cấp nước 4C: chuyển – chứa – cho – chở qua những túi chứa cỡ lớn để người dân đến lấy miễn phí. Bằng cách này, mỗi ngày, gần 500m3 nước ngọt đã được chuyển tới tận tay người dân.
Mô hình cấp nước 4C của huyện Mỏ Cày Bắc bằng những túi chứa cỡ lớn.
Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang triển khai những giải pháp tình thế như: đắp cống lớn, đập tạm ngăn mặn trên sông, vận động toàn dân trữ nước ngọt, chuyển nước ngọt về phục vụ sản xuất và sinh hoạt,... Tuy nhiên, điều cần thiết hơn hết là những giải pháp dài hạn mang tính tổng thể với sự chung tay của các doanh nghiệp nước sạch. Như vậy, các tỉnh mới có thể ứng phó với tình trạng hạn mặn ngày một khắc nghiệt theo diễn biến bất thường của khí hậu.
Chia sẻ thêm về các giải pháp cần thiết, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết cần phải đảm bảo nguyên tắc không để hộ dân nào thiếu nước dùng. Bộ đã chỉ đạo các địa phương trước hết phải tích trữ nước không tập trung. Về lâu dài phải có một nghiên cứu tổng thể, chia Đồng bằng sông Cửu Long thành 3 vùng ngọt – lợ - mặn và quy hoạch lại toàn bộ thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long sao cho phù hợp với hạ tầng sản xuất nông nghiệp.
Các giải pháp dài hạn cần được triển khai sớm để đảm bảo nước sạch cho người dân.
Thách thức đặt ra cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long là làm sao đẩy nhanh việc khép kín các công trình trữ ngọt và xã hội hóa đầu tư nước sạch đạt chuẩn. Bởi nếu không làm ngay và lâu dài, thì các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ khó mà thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!