Theo đoàn Giám sát, chủ trương vay ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng đắn, kịp thời. Các nguồn vốn này đã góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia sử dụng nguồn vốn đã góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng chỉ rõ những hạn chế, trong đó việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật Quản lý nợ công dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa thống nhất; tính đồng bộ, kết nối của một số dự án chưa được chú trọng đúng mức nên chưa có sức lan tỏa và kết nối vùng, miền làm giảm hiệu quả đầu tư.
Cho ý kiến vào báo cáo giám sát, dẫn chứng một số ví dụ nhiều công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng sử dụng được một thời gian nước lại không về hay việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới nhanh chóng xuống cấp, một số đại biểu đề nghị báo cáo giám sát cần trả lời câu hỏi: Việc sử dụng vốn vay ODA có thất thoát, lãng phí không? Những Bộ, ngành, địa phương nào làm tốt và không tốt? Bao nhiêu tập thể, cá nhân đang bị xem xét, xử lý trách nhiệm?
Một số đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần nhận diện rõ những vướng mắc, bất cập trong việc quản lý và sự dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay để đề ra các biện pháp sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!