Các đại biểu bày tỏ sự lo ngại này cho rằng, nếu chỉ những người có thu nhập từ 9 triệu đồng mỗi tháng trở lên mới phải đóng thuế, thay vì mức 4 triệu đồng như hiện nay, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc cũng được nâng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng thì những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người, thay vì 3,6 triệu người như hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ giảm hơn 13 ngàn tỷ đồng.
Ông Đồng Hữu Mạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế lo ngại: Xét về góc độ nguồn thu ngân sách năm sau sẽ giảm hơn 5.000 tỷ đồng và 2014 sẽ giảm hơn 13 nghìn tỷ đồng. Nếu như phương án giảm trừ gia cảnh hợp lý thì không vấn đề gì, nhưng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp thì nên cân nhắc thêm.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Nâng mức chịu thuế và nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ tác động đến tổng cầu của xã hội, vì một chính sách bao giờ bên cạnh giảm thu ngân sách nhà nước khoảng hơn 13 nghìn tỷ đồng, còn có tác động khác nữa, đặc biệt là đảm bảo ổn định xã hội.
Bên cạnh sự băn khoăn, cũng không ít đại biểu tán thành với việc dự thảo luật vì cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế sẽ giúp gần 4 triệu người có thể nâng cao mức sống. Vì tính trung bình, mỗi năm những người này sẽ có thêm hơn 3 triệu đồng do không phải đóng thuế.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Với mức tính khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng là mức được Chính phủ tính toán hợp lý. Mặt bằng giá cả hiện nay, mức độ lạm phát và hệ số CPI, mức thực tế thu nhập…, 9 triệu là đảm bảo được mức tối thiểu trung bình cho đời sống của người lao động. Thứ hai là, trong điều kiện hiện nay, điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân là tăng sức mua của nhân dân, kích cầu sản xuất cho nền kinh tế.
Sau phiên thảo luận tại tổ chiều 5/11, dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ còn được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường.
Quỳnh Trang