Công tác chăm sóc sức khỏe y tế học đường bậc mầm non cần được quan tâm nhiều hơn (Ảnh minh họa)
Lâu nay để có nơi chăm sóc sức khỏe cho các cháu, các y sĩ trường mầm non công lập Hoàng Lan, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã phải tận dụng khoảng trống dưới chân gầm cầu thang để làm việc. Đây là việc làm bất đắc dĩ bởi diện tích của nhà trường quá hẹp, trong khi các phòng chức năng khác cũng rất thiếu thốn.
Việc không có phòng y tế để chăm sóc sức khỏe cho các cháu như ở trường Hoàng Lan là tình trạng phổ biến của các trường mầm non ở Đà Nẵng. Hiện toàn thành phố chỉ có 24/101 trường mầm non có phòng y tế, đạt tỷ lệ 19%.
Bà Vĩnh Thị Kim Anh, Hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Lan, cho biết: “Nhà trường chúng tôi thiếu phòng chức năng đặc biệt là phòng nha cho các cháu. Khi có trường hợp các cháu đau ốm các cô giáo buộc phải xử lý cho cháu nằm ngay tại lớp học".
Theo thống kê, hiện nay số cán bộ làm công tác y tế học đường ở bậc mầm non của TP. Đà Nẵng chỉ có 21 người, đạt tỷ lệ 17%. Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực khan hiếm đang khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em của họ.
Trái ngược với sự thiếu thốn ở các trường công lập, đa số các trường tư thục lại rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho y tế học đường và xem đây là công tác quan trọng để gây dựng sự tin tưởng trong phụ huynh.
Bà Trần Thị Hương, Chủ tịch HĐQT trường mầm non Hoa Phượng TP. Đà Nẵng, cho biết: “Từ khi nhà trường chúng tôi có phòng nha, nhiều phụ huynh đã rất yên tâm. Qua 6 năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ sâu răng của các cháu đã giảm từ 70%, xuống còn 40,8%”.
Sự chênh lệch về đầu tư cho công tác chăm sóc y tế học đường ở hai hệ thống trường công lập và tư thục có thể hiểu được là do vấn đề tài chính. Việc đầu tư ở các trường trong khối công lập phụ thuộc nhiều vào kinh phí nhà nước. Vì vậy, công tác y tế học đường cần được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan có trách nhiệm, hoặc cần đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng, cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mong muốn mang đến cho học sinh sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Các thiết bị, phòng y tế ở trường học cũng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế học đường. Hiện tại, mặc dù các y sĩ đã được bồi dưỡng nhiều nhưng vẫn cần phải được nâng cao chất lượng thêm. Ngoài ra tôi nghĩ, cần phải nâng cao hơn các chế độ chính sách để chúng ta có thể yên tâm hơn đối với học sinh bậc mầm non, tiểu học”.
Hiện nay học sinh đang phải đối mặt với nhiều bệnh liên quan đến học đường như: Cận thị, cong vẹo cột sống, răng miệng…, hay những dịch bệnh đang hoành hành như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết… Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của y tế học đường. Do vậy, những khó khăn trong công tác này ở hệ thống trường công lập cần sớm được tháo gỡ để đảm bảo một môi trường an toàn cho sức khỏe của học sinh, nhất là ở lứa tuổi mầm non.