Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường, mà phải thông qua các hoạt động trải nghiệm

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/08/2019 19:52 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP,

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy và chính quyền địa phương có trách nhiệm cùng với nhà trường nâng cao đạo đức trong và ngoài trường học cho HS, SV.

Sáng 6/8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, bên cạnh nhiều định hướng quan trọng đối với sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo ở thời điểm bản lề của đổi mới căn bản và toàn diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo, từ năm học mới này phải tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống và kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị triển khai năm học mới của ngành Giáo dục. Nhất là sau khi ngành Giáo dục phải đối diện với nhiều thách thức và đang tiến hành nhiều bước đi quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện. Bên cạnh nhiều giải pháp để tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia và đã lấy lại được niềm tin của xã hội như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm qua Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cùng với Chương trình giáo phổ thông mới đã được thông qua, nhằm gỡ nút thắt để đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Song hành với việc sáp nhập các điểm trường có quy mô nhỏ và trung tâm giáo dục thường xuyên, năm học vừa qua chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn phổ thông và giáo dục mầm non đều được nâng cao.

Hiện Việt Nam là một trong số ít nước có tới 99,98% trẻ em dưới 5 tuổi được đến trường và trên 97% người dân từ 15 - 60 tuổi biết chữ. Biểu dương toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để có 2 trường đại học được vào danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, hay đã có 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng trong năm qua, song từ ước mơ của một cậu bé bán vé số Thủ tướng đã chỉ ra nhiều việc mà ngành Giáo dục cần khắc phục.

Trước lãnh đạo của 63 tỉnh, thành trong đó có nhiều Bí thư Tỉnh ủy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở khi nhắc lại một vấn đề tồn tại từ lâu đó là nhiều địa phương chưa bố trí đất để xây dựng trường học, nhất là nhà trẻ ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất nên công nhân đi làm vất vả, gửi con rất xa, thậm chí không cho con đến trường được. Nếu các địa phương không giải quyết tốt vấn đề này, hậu quả xã hội rất lớn.

Một vấn đề nữa đó là nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải như ở Hà Nội có lớp đến 60 học sinh trong khi định mức ở tiểu học là 35 học sinh, còn trung học là 45 học sinh. Trong khi đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống chưa đúng mức, còn giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quốc tế đánh giá tốt về dạy học cơ bản của Việt Nam, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người và dạy nghề còn bất cập. Do chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết nên một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc xã hội, trong khi đó một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức nhà giáo. Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong năm học này phải tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Việc này là trách nhiệm của gia đình, xã hội, với vai trò trung tâm là của nhà trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy và chính quyền địa phương có trách nhiệm cùng với nhà trường nâng cao đạo đức trong và ngoài trường học. Trước hết cần ngăn chặn bạo lực học đường, bảo đảm an toàn giao thông, xóa hàng quán tràn làn trước cổng trường, tệ nạn xã hội và đặc biệt là tạo ra sân chơi, thư viện, sân thể thao trong các cơ sở giáo dục. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Thủ tướng giao đưa ra giải pháp để các gia đình có trách nhiệm với con em mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục và đào tạo, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả; đồng thời bảo đảm số giờ và các nội dung học về đạo đức. Việc giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà phải thông qua hoạt động trải nghiệm như tổ chức để học sinh, sinh viên đi viếng nghĩa trang, thăm các gia đình chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để học sinh thấu hiểu cuộc sống.

Thời gian tới, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này. Một giải pháp căn cơ cho vấn đề này cũng như cho tiến trình đổi mới toàn diện căn bản giáo dục đào tạo là phải đổi mới mạnh mẽ các trường sư phạm như Bác Hồ nói: Trường sư phạm phải mô phạm.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường hữu danh vô thực, vì nhiều trường hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên có việc hạ điểm chuẩn, "vơ vét" học sinh đầu vào với điểm rất thấp, hoặc mượn giáo viên cơ hữu. Vì học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một trường kém chất lượng cấp, rồi để có học mà không biết làm việc. Đối với các trường có chất lượng và uy tín, Thủ tướng đề nghị cần mở mới các ngành Đào tạo liên quan đến kinh tế số, không để "thiếu trước hụt sau, chắp vá".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thí điểm thực hiện cơ chế mầm non, phổ thông có đủ điều kiện bảo đảm được chi thường xuyên, từ đó báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định đổi mới cơ chế quản lý mầm non và phổ thông, với quan điểm không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua những nguyên lý giáo dục Đảng, Nhà nước đã đưa ra. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng phải giải quyết được vấn đề hiện có tới 21% trẻ em dưới 15 tuổi ở vùng cao bị mù chữ hoặc tái mù chữ. Thủ tướng khẳng định Nhà nước sẽ bảo đảm kiên cố hóa trường học và tăng cường đội ngũ giáo viên cho các địa phương miền núi, cũng như cơ chế phù hợp cho giáo viên và học sinh ở những vùng khó khăn để không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau do điều kiện kinh tế khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước