Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã chính thức được ban hành. 62.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ khoảng 20 triệu người dân, thuộc 7 nhóm đối tượng. Đây là một quyết định chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
Trong bối cảnh bốn bề khó khăn, khi mà ngân sách Nhà nước đang hết sức eo hẹp và cần nhiều nguồn lực cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định nền kinh tế thì đó là khoản tiền không nhỏ. Có thể nói đây là nỗ lực chưa từng có tiền lệ, mang tính cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp trong cơn hoạn nạn, giúp họ chia sẻ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội rõ ràng là hết sức cần thiết vào lúc này. Ngân sách tuy rất khó khăn, nhưng tiền lại chưa phải nỗi lo lớn nhất. Vậy đó là điều gì? Đó là làm thế nào để gói cứu trợ ấy thực sự phát huy hiệu quả và tính nhân văn, làm sao đến được kịp thời, đúng đối tượng, công bằng và minh bạch. Đây cũng là trăn trở rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, việc giám sát quá trình triển khai, thực hiện được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Minh bạch, công khai, dân chủ: Ba từ khóa quan trọng trong chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội về vấn đề giám sát
Trong các cuộc họp thảo luận về những giải pháp hỗ trợ người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh tới khâu giám sát thực hiện. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật trong việc xác định đúng những người được nhận hỗ trợ, nhất là không được bỏ sót.
Các Bộ liên quan cần chuẩn bị kỹ các phương án chi trả minh bạch, công khai, dân chủ và thuận lợi dưới sự giám sát của các đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những người sai phạm phải được xử lý nghiêm.
Còn trong phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện.
Từ những chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội, điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của khâu giám sát việc tổ chức thực hiện gói an sinh xã hội. Câu hỏi được quan tâm là khâu này sẽ tiến hành ra sao để hạn chế tối đa việc tiêu cực, trục lợi, sai đối tượng, để những đồng tiền của người dân nghèo mới không bị đi "lạc đường" vào nhà cán bộ như những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa... đã từng xảy ra ở một số nơi.
Đối với vấn đề giám sát hiệu quả thực hiện gói an sinh xã hội này, ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi xác định việc giám sát tổ chức thực hiện chính sách lần này hết sức quan trọng. Bởi vì chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người đối tượng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, chỉ trong phạm vi thời gian rất ngắn từ tháng 3 - tháng 6. Như vậy, thời gian để tổ chức xây dựng chính sách, triển khai chính sách và khi chính sách đến được với các đối tượng xác định trong nghị quyết của Chính phủ rất khẩn trương. Chính vì vậy, các hình thức tổ chức giám sát phải được tổ chức một cách đa dạng , trong đó có trực tiếp giám sát của người dân".
"Chúng tôi sẽ có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và phát huy vai trò của tất cả tổ chức thành viên cũng như các tổ chức của người dân để giúp việc giám sát. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan chính quyền trong tổ chức triển khai chính sách là quan trọng, bởi thông qua đó sẽ có được thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Các trình tự, thủ tục, đối tượng, hồ sơ xét duyệt… như thế nào để đảm bảo chính xác, khách quan nhất, đúng đối tượng là những công việc cần thiết, đồng thời là cơ sở bước đầu quan trọng trong việc giám sát thực hiện chính sách sau này", ông Hầu A Lềnh cho biết thêm.
Chính sách đi vào cuộc sống phải đúng, đủ, kịp thời, công bằng nhưng không để gây mất trật tự an toàn xã hội hay gây sự mâu thuẫn trong xã hội
Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội ở thời điểm này là cấp bách nhưng cũng là việc chưa có tiền lệ. Với số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai chắc chắn sẽ phức tạp. Nhiều địa phương cũng đã lên kịch bản giám sát song song với việc rà soát, lập hồ sơ những người được nhận hỗ trợ, với hy vọng sẽ hạn chế tối đa tiêu cực có thể nảy sinh.
Kinh nghiệm từ thực tế địa phương này cho thấy, để giám sát tốt việc chi trả hỗ trợ, các cấp ủy phải vào cuộc cùng chính quyền địa phương trong suốt quá trình này, đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi Chính phủ trình nghị quyết, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có báo cáo thực trạng cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể hiện sự đồng tình đối với quan điểm, chủ trương của Chính phủ.
"Hiện nay, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã yêu cầu các thành viên, các địa phương theo dõi, nắm tình hình, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện để làm sao chính sách đi vào cuộc sống, phải đến đúng, đủ, kịp thời, công bằng, đồng thời tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, không để gây ra mất trật tự an toàn xã hội và không gây sự mâu thuẫn trong xã hội", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
"Điều quan tâm nhất hiện nay phải minh bạch, công khai, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu tiến hành rà soát, lập danh sách, xét duyệt và cuối cùng là chi trả. Thứ hai là phải kiểm tra, giám sát ở các cấp, trong đó rất chú trọng đến xử lý vi phạm phải nghiêm minh ở mức cao nhất. Điều cuối cùng là phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc này, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể và vai trò giám sát của người dân. Những người được thụ hưởng thì đều phải được công khai ở từng tổ dân phố, từng cơ quan, xí nghiệp cho đến các cơ quan thông tin đại chúng", ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh phân tích tiếp.
"Tôi tin rằng nếu chúng ta làm đầy đủ các quy trình đó thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong việc thực hiện chính sách", ông Đào Ngọc Dung nhận định.
Khi công cuộc chống dịch còn bộn bề gian nan, nhịp sống xã hội trong thời giãn cách xã hội có thể chậm lại, những quyết sách vì sự an sinh của cộng đồng càng được tăng tốc, càng quyết liệt hơn. Việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, đúng và trúng Nghị quyết của Chính phủ để người dân vơi bớt khó khăn, yên tâm hơn, củng cố hơn niềm tin với Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị trong những ngày tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!