Nhiều người dân trở về sau khi đi xuất cảnh lao động trái phép cho biết tuy có thu nhập cao hơn so với ở quê nhà nhưng họ bị bóc lột sức lao động, làm việc vất vả, bị chủ sử dụng lao động lừa hoặc có nhiều trường hợp không được trả tiền công.
Bên cạnh đó, do không có giấy tờ hợp pháp nên nhiều lao động bị các lực lượng chức năng nước bạn giam giữ, phạt tiền và trục xuất. Rủi ro và nguy hiểm là vậy nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn người dân xuất cảnh lao động trái phép.
Trong thời gian lao động ở nước ngoài, phải làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, bị đánh… nên anh Vừ Già Pó, xã Khâu Vai, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang phải bỏ trốn. Sau hành trình lưu lạc sang tận Pakistan trong 18 tháng với gần 7.000km đi bộ, năm 2014 anh Pó được giúp đỡ trở về nước.
Hiện nay ở xã Khâu Vai vẫn có 100 lao động đang đi làm ăn bất hợp pháp. Trong khi đó, con số này của toàn huyện Mèo Vạc là khoảng 3.000 người.
"Với địa bàn rộng như huyện Mèo Vạc, công tác quản lý cũng như thống kê lao động trên địa bàn huyện cũng tương đối khó khăn", bà Mua Hồng Sinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho hay.
Thời gian qua, những buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được các cơ quan chức năng địa phương 2 nước Việt Nam - Trung Quốc phối hợp tổ chức nhưng tình trạng người dân vượt biên trái phép vẫn không giảm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Đồn Biên phòng Săm Pun đã ngăn chặn gần 500 lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc lao động.
Để giải bài toán quản lý lao động qua biên giới ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, từ cuối năm 2016, UBND huyện đã thực hiện thí điểm đưa người lao động sang Trung Quốc làm việc trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với chính quyền huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!