Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Bộ Y tế phải kiểm tra chất lượng thuốc diệt muỗi đang được sử dụng ở Hà Nội, vì đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Cũng tại buổi họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh y tế dự phòng phải chịu trách nhiệm khi đã để bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất từ trước đến nay ở Hà Nội.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, Hà Nội có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước với trên 24.000 ca, chiếm gần 1/4 số ca mắc của cả nước. Có thể nói, đây là đợt dịch sốt xuất huyết dai dẳng và nghiêm trọng nhất tại Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây.
Là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có gần 4.000 người nhập viện điều trị, trong đó có hơn 500 trường hợp nặng do bị sốc hoặc có bệnh lý nền và có 4 ca tử vong. Điều đáng nói là các ca nặng hầu hết là do nhập viện muộn, có biến chứng nặng. Thậm chí, có người đi khám, dù đã được phát hiện mắc sốt xuất huyết nhưng khi thấy giảm sốt đã chủ quan không vào viện.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay không chỉ nghiêm trọng với số lượng lớn ca mắc, mà còn mang tính nguy hiểm hơn với nhiều ca bệnh nặng. Giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội cho thấy khoảng 60% hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc, bên cạnh đó hầu hết các hộ gia đình khi được kiểm tra đều phát hiện có loăng quăng, bọ gậy. Dù số ca mắc có giảm nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Mỗi tuần, Hà Nội vẫn ghi nhận từ gần 2.700 đến 2.900 ca mắc.
Và như vậy, người dân, chính quyền địa phương và ngành y tế vẫn phải cảnh giác trước dịch bệnh này. Do đó, để dịch không bùng phát, vấn đề là cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của người dân trong việc diệt loăng quăng, bọ gậy. Hiện cả nước đã ghi nhận hơn 110.000 ca mắc sốt xuất huyết và từ nay đến tháng 11 vẫn là cao điểm của dịch sốt xuất huyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!