Theo dự báo, ngày 19/10, cơn bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội đã có thông báo về việc ứng trực giải quyết thoát nước do ảnh hưởng của bão số 7. Công ty Thoát nước Hà Nội chủ động hạ mực nước các hồ điều hòa đến mức thấp nhất, các trạm bơm sẵn sàng hoạt động để chuẩn bị đối phó với diễn biến của mưa bão.
Đối với đập Thanh Liệt, để giảm thiểu ô nhiễm đối với lưu vực sông Nhuệ, từ ngày 15/10/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đóng đập. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết do ảnh hưởng của cơn bão số 7, đập Thanh Liệt đã được mở lại từ 8h ngày 17/10. Các kho vật tư dự phòng, phòng chống thiên tai tại các công trình đầu mối Yên Sở và Bắc Thăng Long Vân Trì đã được kiểm tra, sẵn sàng sử dụng khi cần huy động. Hiện đơn vị thoát nước đã chuẩn bị sẵn sàng 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Tại các điểm nóng ngập úng luôn có các nhân viên ứng trực sẵn sàng giải quyết thoát nước
Công ty Thoát nước Hà Nội đã bố trí lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên. 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công. Các xe bơm di động, xe hút đã sẵn sàng khi có mưa di chuyển đến các điểm ứng trực.
Ngoài ra, công ty cũng đã rà soát tất cả các công trình đang thi công trên địa bàn, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí lực lượng ứng trực với đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị cần thiết. Các nhà thầu thanh thải các đập quây thi công tại công trình cống hóa mương Thụy Khuê, Ngọc Hà, Tây Sơn, Vĩnh Tuy, Trắng Chẹm, Y khoa... Đơn vị thoát nước cũng cử lực lượng thanh tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố, đảm bảo khả năng thu nước, đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương, tổ chức thu dọn tấm chắn, vật cản trên các ga thu.
Thành phố cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thực hiện phương án phòng chống theo phê duyệt, rà soát kiểm tra, cử lực lượng trực tại các vị trí đê kè, hồ, đập trọng điểm, xung yếu, các công trình đang thi công. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, tổ chức sơ tán nhân dân ở các khu vực sạt lở nguy hiểm, các khu nhà không đảm bảo an toàn. Đồng thời chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa muộn, hoa màu, chủ động đề xuất với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ lực lượng giúp nhân dân thu hoạch khi cần thiết.
Hiện Sở Giao thông vận tải đã chuẩn bị máy móc để giải tỏa các điểm đường xung yếu, nạo vét đất đá chống ngập úng gây ách tắc kéo dài. Đối với cây xanh, thành phố đã có chỉ đạo chằng chống để hạn chế cây đổ. Hiện có nhiều loại cây mới trồng cần có phương án để bảo vệ.
Sở Giao thông vận tải đã có phương án tại các điểm nóng thường xuyên bị ách tắc ngập úng do bão
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng vừa có công văn gửi các phòng giáo dục, các trường học trên địa bàn yêu cầu tích cực chủ động phòng, chống bão. Đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, rà soát nhân lực, cơ sở vật chất các trường học, các khu tập thể giáo viên, khu nội trú của học sinh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các địa bàn ở khu vực giữa sông, ngoài đê và ven sông; các trường học có phòng học cấp 4, phòng học tạm; các trường đang xây dựng, sữa chữa; các gia đình cán bộ giáo viên, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang ở nhà tạm, nhà cấp 4.
Sở GD - ĐT cũng yêu cầu các trường, cơ sở giáo dục sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên, có phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất khi xảy ra mưa bão như gia cố cổng trường, tường rào, cây cối, đường điện, trạm biến áp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!