Chuyển về dự án Đoàn Ngoại giao đã được hơn 1 năm, ngày nào ông Đức cũng ngóng chờ đoạn đường nối ra đường Võ Chí Công hoàn thành để đi làm cho gần. Thế nhưng, ngay cả khi tuyến đường đã cơ bản vận hành, chỉ cư dân của dự án Tây Hồ Tây mới được đi lại. Còn cư dân sống tại dự án Đoàn Ngoại giao thì không được đi. Vì vậy, thay vì đi ra tuyến đường mới chỉ dài 300m ra đường Võ Chí Công, hiện nay người dân phải đi đường vòng ra đường Phạm Văn Đồng xa cả gần chục cây số.
Đi đường vòng xa, nhiều người dân đã chọn cách đi nhờ đường dân sinh qua làng cho gần. Mệt mỏi vì quá nhiều xe đi qua lại, dân làng còn tạo nên những cột cản và biển cảnh báo.
Lý giải về việc vì sao chưa thể khớp nối tuyến đường thông ra đường Võ Chí Công để người dân đi lại đỡ vất vả, đại diện chủ đầu tư dự án Đoàn Ngoại giao cho biết theo chỉ đạo của quận Bắc Từ Liêm, đơn vị này đã chuẩn bị mọi điều kiện cho việc kết nối, nhưng dự án Tây Hồ Tây bên cạnh vẫn chưa sẵn sàng.
Từng triển khai đầu tư tại nhiều dự án khu đô thị, ông Đỗ Viết Thắng cho rằng tình trạng chậm kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu đô thị với nhau đang diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do tâm lý chung, các chủ đầu tư muốn rào chắn để thuận lợi cho việc quản lý trật tự xây dựng của dự án mình. Mặc dù theo quy định, các dự án cạnh nhau bắt buộc phải khớp nối hạ tầng.
Trong khi các chủ đầu tư quản lý dự án theo kiểu cục bộ, giữ đường cho riêng dự án của mình, người chịu thiệt thòi vẫn là người dân. Rõ ràng đây là một sự lãng phí xã hội lớn, trong khi đường là đường chung, được xây dựng bằng ngân sách nhà nước chứ không phải của riêng chủ đầu tư nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!