Hà Nội: Tiêu hủy 61.500 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi

Minh Đức-Thứ ba, ngày 04/06/2019 17:35 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần cuối tháng 5, đã có 61.500 con lợn mắc dịch tả châu Phi được tiêu hủy tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiêu hủy khoảng 9.000 con lợn, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ ngày 27/5 - 2/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh thêm tại 3.451 hộ chăn nuôi ở 234 thôn, tổ dân phố thuộc 9 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy trên 61.500 con lợn.

Từ khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn thành phố đến nay, đã có trên 18.500 hộ chăn nuôi ở 2.021 thôn, tổ dân phố của 430 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã có lợn bị mắc bệnh, tiêu hủy 301.275 con lợn, chiếm 16,1% tổng đàn của thành phố. Tính theo trung bình ngày những ngày gần đây, Hà Nội phải tiêu hủy khoảng 9.000 con lợn do dịch tả lợn châu Phi..

Theo số liệu, các địa phương phải tiêu hủy số lượng lớn lợn mắc bệnh: Huyện Sóc Sơn với 55.059 con (chiếm 45% tổng đàn của huyện); huyện Đông Anh 31.949 con (chiếm 40,3%); huyện Quốc Oai 24.380 con (chiếm 38%); huyện Chương Mỹ 18.777 con (chiếm 7,7%)…Ước tổng thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra trên địa bàn thành phố khoảng 760 tỷ đồng.

Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra tại 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con lợn. Nguy cơ dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch, tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao, dẫn đến buộc phải tiêu hủy nhiều lợn trong thời gian tới.

Trước tình hình này, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành điều hành công tác phòng, chống, dập dịch; chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể.

Các địa phương kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định; Khẩn trương kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y, tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở; chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo đúng quy định;

Đồng thời, các cấp ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

Cũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân. Các Bộ, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP tổ chức các đoàn công tác đến đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước