Ngày 2/8, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 8 này, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ trên địa bàn.
Để việc kiểm tra, rà soát đảm bảo hiệu quả cao nhất, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng. UBND thành phố Hà Nội cũng đã có chủ trương yêu cầu các quận huyện tổng kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, xử lý nghiêm các cơ sở có nguy cơ về cháy nổ, ngăn chặn các các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo đánh giá của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ ở các dạng nhà như: nhà tạm, nhà ống, chia lô sử dụng để sản xuất kinh doanh kết hợp ở, khi xảy ra sự cố khó có khả năng thoát nạn.
Báo cáo của Cơ quan này cũng cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố Hà Nội xảy ra 447 vụ cháy, làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng, tính trung bình mỗi ngày xảy ra 2,5 vụ cháy.
Đặc biệt là vụ cháy rất nghiêm trọng vào ngày 13/7 tại ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm khiến 4 người chết; vụ cháy tại nhà số 48, ngõ 41, phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) làm 2 người chết và vụ cháy tại xưởng bánh kẹo ở huyện Hoài Đức xảy ra cuối tuần qua làm 8 người chết, 2 người bị bỏng.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội phải tiến hành số hóa toàn bộ 40.000 cơ sở có nguy cơ về cháy nổ trên địa bàn thành phố để khi xảy ra cháy nổ vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể lên được sơ đồ, áp dụng phương án chữa cháy hoặc áp dụng phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch 2.000 điểm kinh doanh xăng, dầu, hóa chất trên địa bàn và rà soát nhiều vấn đề như: trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện có cũng như các phương tiện còn thiếu; bổ sung, chỉnh lý và thực tập các phương án xử lý các tình huống cháy, nổ lớn tại các cơ sở trọng điểm, các cơ sở phức tạp, có tính chất đặc thù, khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu người...